Muôn hình vạn trạng
Qua tìm hiểu phóng viên nhận thấy,ạnchấtlượngnướctinhkhiếtđóngbìket qua hang 1 anh thị trường nước tinh khiết rất đa dạng, phong phú với đủ loại nhãn mác, giá cả. Hiện mỗi bình 20 lít có giá từ 25.000 đến 60.000 đồng, tùy nhãn hiệu. Dù vậy, người tiêu dùng lại đang hoang mang không biết sản phẩm nào đảm bảo chất lượng, sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái bởi các loại nước đóng chai, đóng bình đều được quảng cáo "thổi phồng" như sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím... Qua xác minh thực tế của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở sử dụng thiết bị thủ công, thậm chí không đảm bảo vệ sinh.
Theo chân đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn Hà Nội, phóng viên nhận thấy, tại nhiều cơ sở tình trạng tái sử dụng vỏ bình song lại không được vệ sinh đầy đủ để diệt khuẩn. Đây là sai phạm chủ yếu mà các DN, cơ sở sản xuất mắc phải. Bên cạnh đó, qua quan sát của phóng viên, việc các chủ cơ sở sản xuất nước tinh khiết thường được bố trí ngay cạnh các nguồn ô nhiễm, nước thải gây mất vệ sinh; các sản phẩm vứt bừa bãi trên nền đất, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể, tại một cơ sở sản xuất nước tinh khiết ở thôn Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội phóng viên ghi nhận cơ sở này sản xuất nước tinh khiết gần những cơ sở tái chế rác thải, nhựa ô nhiễm. Toàn bộ máy móc, thiết bị để sản xuất ra loại nước uống “tinh khiết” đặt trong nhà xưởng chật hẹp. Bên trong xưởng những chiếc bình đựng nước đã qua sử dụng được vứt bừa bãi ngay cửa ra vào, bên cạnh dòng nước thải lênh láng và bụi bẩn.
Theo lời của chủ cơ sở, chất lượng nước ở đây được bảo đảm tuyệt đối vì cơ sở sử dụng nguồn nước máy đạt chất lượng của TP. Nguồn nước sau khi được lắng đọng, tích trữ tại bể ngầm sẽ được dẫn qua các đường ống nhỏ tới bình inox, sau đó được vận hành qua từng giai đoạn lắng lọc trước khi được đóng vào bình. Dù chưa biết chất lượng tới đâu, song với điều kiện sản xuất như đã nói ở trên, khó có thể đảm bảo nước ở đây “tinh khiết” như lời cam kết của chủ cơ sở.
Hay một cơ sở sản xuất nước được quảng cáo là "tinh khiết" nhưng lại được sản xuất trong môi trường rất mất vệ sinh là cơ sở sản xuất L.V trên đường Mậu Lương, quận Hà Đông. Qua quan sát phóng viên khu vực sản xuất ẩm thấp, tối tăm, phòng lọc nước, phòng chứa và rửa bình đặt trên một diện tích chưa đầy 30m2. Trên sàn nhà vứt đầy vỏ chai, vỏ bình; xung quanh đó, nhân viên không trang phục bảo hộ lao động theo quy định, chó mèo thoải mái đi lại, đôi khi còn nhảy luôn vào khay đang phơi hàng chục nắp bình. Chưa kể, nơi đặt bể chứa để sản xuất thứ nước "tinh khiết" này còn nằm ngay cạnh nhà vệ sinh ...
Tiêu dùng thông minh
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 416 cơ sở. Qua đó, có 98 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 72 cơ sở với số tiền hơn 226 triệu đồng và 7 cơ sở bị dừng hoạt động.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội cho biết, ngoài các lỗi vi phạm chất lượng thường gặp của các cơ sở sản xuất nước tinh khiết như điều kiện cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định về khoảng cách an toàn với nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác, các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ thường đặt tên sản phẩm “na ná” tên của các DN nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, ông Tụ khuyến cáo, khi lựa chọn sản phẩm nước tinh khiết người tiêu dùng cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; nên mua ở các cửa hàng có uy tín, quen thuộc hay siêu thị; không dùng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ...
Còn theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, sản phẩm nước uống tinh khiết đang rất khó quản lý. Vì đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận rất cao, nên các cơ sở sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều. Rất hiếm DN đầu tư công nghệ cao, chất lượng tốt, chủ yếu vẫn những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với các trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chật chội, dây chuyền sản xuất tự chế, sử dụng vỏ chai không rõ nguồn gốc, trôi nổi.
Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đề nghị các phòng y tế địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn để phát hiện cơ sở không đảm bảo; tăng cường kiểm soát nước uống đóng bình ngay tại cơ sở sản xuất. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, đặc biệt là từ trạm y tế và cấp huyện. “Ngoài sự tăng cường quản lý của cơ quan chuyên môn rất cần sự vào cuộc, giám sát của cả cộng đồng”, ông Cường nói