Lo khoảng trống trong quản lý vốn nhà nướcTại dự thảo Luật, Chính phủ trình quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không điều chỉnh đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành (điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013). Đây là phương án 1 trong số 2 phương án được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Trong quá trình góp ý, nhiều ý kiến ủng hộ nhất trí việc bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 này, bởi quy định này phù hợp với chủ trương tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, việc bãi bỏ quy định trên nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định "DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ". Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của DNNN như phương án 1 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.
Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến băn khoăn quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do đó, các ý kiến này cho rằng nên quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN. Đây cũng là phương án 2 để xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phân tích, Luật Doanh nghiệp quy định những doanh nghiệp nào có từ 51% vốn nhà nước là DNNN. Nếu những doanh nghiệp này lập doanh nghiệp con, nắm trên 51% vốn, thì những doanh nghiệp này sẽ không phải là đối tượng áp dụng của Luật, như vậy khó đảm bảo minh bạch, công bằng trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, việc quy định như phương án trên sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối. Cân nhắc bổ sung thêm công ty con của doanh nghiệp nhà nướcBên cạnh 2 phương án này, còn ý kiến đề nghị phương án “trung dung” hơn là áp dụng như phương án 1, nhưng bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Góp ý về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nghiêng về phương án 1 để đảm bảo linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh và phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, để hạn chế khoảng trống trong quản lý tài sản nhà nước, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, có thể bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Theo đại biểu, trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ có những cơ chế bảo vệ lợi ích phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn. Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đánh giá, hiện nay ở nhiều DNNN nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông. Nếu áp dụng quá rộng, sẽ cứng nhắc, hạn chế linh hoạt, nhanh nhạy, thua thiệt, kém cạnh tranh cho chính doanh nghiệp và cả nhà đầu tư bên ngoài. Nhà nước cũng sẽ bị thiệt, nếu vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn khi cổ phần hóa, thoái vốn. Ngày 23/5 tới, theo dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu./. |