SẢN PHẨM SẠCH - BÀI TOÁN ĐẶT RA CHO NGƯỜI SẢN XUẤT
Cũng là người nội trợ,ảnxuấltd c3 chị Nguyễn Thúy Hằng ở thành phố Đồng Xoài hiểu nhu cầu sử dụng rau rạch trong bữa ăn quan trọng thế nào. Năm 2019, chị đầu tư sản xuất rau mầm. Rau mầm chị trồng theo phương pháp “4 không”: không phân hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng và không dùng nước nhiễm bẩn để tưới. Bên cạnh đó, rau mầm được gieo trên bột xơ dừa xay nên không sợ bị nhiễm kim loại nặng, do đó được đánh giá là một loại thực phẩm tối ưu. Do thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo đến thu hoạch chỉ khoảng 4-7 ngày nên mầm cây chỉ sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng có sẵn trong hạt. Vì vậy, mô hình được khẳng định là sự thay đổi tích cực hành vi của con người đối với sức khỏe người tiêu dùng do ít lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ môi trường.
Mô hình trồng rau mầm theo phương pháp “4 không” của chị Nguyễn Thúy Hằng ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài - Ảnh: Như Nam
Chị Nguyễn Thúy Hằng, chủ cơ sở sản xuất rau mầm Khải Yến 2, TP. Đồng Xoài chia sẻ: “Đầu tiên là giống phải đảm bảo chất lượng; thứ hai là giá thể hoàn toàn bằng xơ dừa, không sử dụng đất và đã được thanh trùng bằng công nghệ vi sinh. Ngoài ra, các công đoạn ngâm hạt giống, gieo hạt, chăm sóc, tưới cây đều phải nâng niu, chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ làm rau mầm bị tổn thương”.
Trồng rau thủy canh từ năm 2020, chị Phạm Thị Quỳnh Như ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau sạch. Không còn là mô hình nông nghiệp đơn thuần mà đây là sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống nhà kín, ống dẫn dung dịch cùng với sự chăm sóc bài bản đã tạo nên những luống rau thủy canh xanh mướt. Do sử dụng hoàn toàn bằng dung dịch hữu cơ nên năng suất rau không cao bằng phương pháp thông thường, thời gian phát triển cũng dài hơn, song đây được xem là mô hình rau sạch tiêu biểu của địa phương. Chị Như chia sẻ: “Tôi cũng làm nội trợ, nên khi mình chọn thực phẩm sẽ ưu tiên những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Do đó, khi sản xuất thì phải từ tâm mình đến với người tiêu dùng, nghĩa là sản phẩm không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm gây hại sức khỏe con người”.
Do sử dụng hoàn toàn bằng dung dịch hữu cơ nên vườn rau thủy canh của chị Phạm Thị Quỳnh Như được xem là mô hình rau sạch tiêu biểu ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng - Ảnh: Như Nam
Theo chia sẻ của nhiều nông dân, trước đây, việc sản xuất rau màu theo cách thông thường luôn mang lại năng suất cao hơn. Song, nhận thấy lợi ích lâu dài của việc sản xuất sạch, người nông dân đã chuyển hướng canh tác. Và khi áp dụng phương pháp này, người trồng không phải tiếp xúc với các loại hóa chất. Chị Lê Thị Thúy Oanh, chủ trại nấm sạch ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui vì đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường”.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Sản xuất xanh là quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho con người. Thời gian qua, nhiều nông dân chú trọng hơn việc sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, hướng tới sản xuất xanh.
Với hơn 1 ha bưởi da xanh, anh Nguyễn Thanh Đức ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú chăm vườn cây rất kỹ từ khâu bón phân, tỉa cành, tưới nước để cây phát triển tốt. Không chỉ vậy, để xua đuổi côn trùng gây hại cho cây, anh Đức đã tự làm một loại hợp chất từ phân chuồng và một số loại lá cây. Toàn bộ quá trình tưới đều tự động hóa, hợp chất được hòa tan trong nước và theo hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng cây bưởi, giúp tiết kiệm điện và công lao động. Song song đó, anh cũng là người tiên phong ở địa phương khi sử dụng phân bón hữu cơ cho cây, nỗ lực cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. “Việc xịt thuốc thường xuyên vừa tốn kém, độc hại lại vừa tốn công, nên tôi tự tìm tòi lắp đặt hệ thống diệt côn trùng để phòng bệnh cho cây. Còn về cách chăm sóc, mình phải ưu tiên bón phân chuồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học” - anh Đức chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Thanh Đức, ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú trao đổi về việc xua đuổi côn trùng, bón phân hữu cơ cho sản phẩm bưởi da xanh - Ảnh: Như Nam
Sản xuất xanh, sạch thường được nhắc đến trong lĩnh vực nông nghiệp với sự tham gia của cả người dân và doanh nghiệp, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sản xuất xanh là một bài toán không dễ, đòi hỏi các cơ quan, nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng chung tay thực hiện, khuyến khích các mô hình sản xuất xanh, bền vững. Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: “Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người nông dân. Nghĩa là nông dân phải biết sản xuất hàng hóa, biết bảo quản, chế biến và đặc biệt là chế biến những mặt hàng sạch để gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, cũng như tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mình làm ra”.
“Trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường, tuân thủ các quy định về chất lượng hay chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc sản xuất sạch sẽ mở ra cơ hội cho những sản phẩm này khẳng định vị thế trên thị trường và hướng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Là một người tiêu dùng Việt, dĩ nhiên tôi sẽ ưu tiên chọn sử dụng những sản phẩm xanh, sạch dù giá cao hơn những mặt hàng khác”. Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Long Phước, thị xã Phước Long |
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mà còn là sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội, tính nhân văn của từng sản phẩm. Khi người tiêu dùng khắt khe trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn, việc các nông hộ hướng đến sản xuất sạch rất cần được khuyến khích. Mặc dù trước mắt thực phẩm an toàn phải cạnh tranh khá khốc liệt với sản phẩm không an toàn, nhưng xét về lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất và lợi ích lâu dài thì đây là điều cần thiết.