HÀNH TRÌNH NHÀ NÔNG GIỎI
10 tuổi theo cha mẹ từ tỉnh Thái Bình đến khu phố Tân An,gladbach đấu với frankfurt thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú lập nghiệp vào năm 1981, tuổi thơ của nhà nông Lê Văn Hưng gần như gắn trọn với cây điều trên vùng đất mới thuộc huyện Đồng Phú. Ăn, ngủ, nô đùa và lớn lên cùng với cây điều, ngay cả khi lập gia đình, anh Hưng cũng được cha mẹ cho 2 ha điều để lập nghiệp. Dày công chăm sóc, vườn điều của anh lúc nào cũng cho năng suất bình quân từ 2,5-3 tấn/ha. Tích lũy được ít vốn, anh tiếp tục đầu tư mua đất để mở rộng diện tích canh tác cây điều. Cách đây 5 năm, tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ anh lên đến 15 ha, trong đó có 7 ha điều, còn lại là vườn cây cao su. Để đảm bảo kỹ thuật canh tác cho cây điều bền vững, 15 năm trước anh đăng ký học lớp huấn luyện chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật trong 3 tháng do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức. Có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng cấp, anh mở cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sau 5 năm vừa kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa chăm sóc 15 ha điều, anh chuyển sang gia công chế biến hạt điều và thành lập Công ty TNHH MTV Hưng Hằng. 4 năm gia công chế biến hạt điều giúp anh tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực gia công, chế biến và kinh doanh hạt điều như tỷ lệ thu hồi nhân, phương pháp đánh giá chất lượng cho đến thị trường hạt điều trong và ngoài nước. Năm 2009, anh bắt đầu tập trung cho chiến lược phát triển hạt điều theo thương hiệu của riêng mình và ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Nhờ ứng dụng cải tiến thiết bị công nghệ chế biến, số lượng công nhân bóc tách vỏ hạt điều của doanh nghiệp Hưng Hằng từ 200-300 giảm còn 20-30 người vẫn đảm bảo công suất chế biến 5 tấn nguyên liệu/ngày
Thời điểm anh Hưng bắt tay vào chế biến và xuất khẩu hạt điều cũng là lúc Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú đi vào hoạt động. Công nhân chẻ hạt điều thủ công lần lượt bỏ nhà máy để vào làm trong các khu công nghiệp. Trước thực trạng này, anh buộc phải nhập máy móc công nghệ chế biến hạt điều để thay cho công nhân làm thủ công. Sau khi đưa máy móc vào chế biến hạt điều không thể phát huy hết công năng của dây chuyền công nghệ, anh nghiên cứu cải tạo, lắp ráp lại hệ thống máy móc để vừa phát huy hết công suất của dây chuyền sản xuất vừa tiết giảm nhân công đứng máy. Nhờ hệ thống máy móc được cải tiến, công nhân đứng máy của anh từ 6 người giảm còn 2. Lượng công nhân bóc tách hạt điều từ 200-300 người giảm còn 20-30 người nhưng vẫn đảm bảo công suất chế biến bình quân 5 tấn hạt thô/ngày như trước đây. Nhờ cải tiến thiết bị máy móc và kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực trồng, chế biến hạt điều nhiều năm liền, trung tuần tháng 10 vừa qua, anh cùng 7 nhà nông trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen với danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
CÂY ĐIỀU TRONG MẮT NÔNG DÂN GIỎI
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, chế biến và kinh doanh hạt điều, nhà nông Lê Văn Hưng cho biết: Năng suất bình quân có thể đạt 3 tấn hạt điều/ha. Tuy nhiên, để có được năng suất này, trước hết nhà nông phải mạnh dạn đốn hạ những vườn điều già cỗi, năng suất thấp để thay thế giống mới tốt hơn. Để tìm được giống điều phù hợp, nhà nông đừng e ngại, đừng trả giá với nhà cung cấp giống. Trước khi chọn mua giống, nhà nông hãy mời nhà sản xuất giống lên phòng công chứng ký hợp đồng đảm bảo nguồn gốc giống rõ ràng. Nếu nhà sản xuất giống đồng ý ký hợp đồng thì hãy mua, còn không thì tuyệt nhiên không mua cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với kinh nghiệm sản xuất của cha ông ta thời khoa học, kỹ thuật chưa phát triển thì “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, còn hiện nay cây giống phải được đặt lên hàng đầu. Sau đó là những tư vấn từ các nhà chuyên môn như khoa học, nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật... cùng vào cuộc để tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nông dân. Đừng tuyên truyền, thuyết trình, thuyết phục mang tính thương mại, người dân sẽ không bao giờ nghe, đôi khi còn phản tác dụng bởi tính nghi ngờ, phản vệ của người dân là rất lớn.
“Trong lĩnh vực kinh doanh, trước hết hãy biết trung thực và đừng tham lam. Bởi lòng tham không đáy sẽ giết chết chữ “tín” để rồi sau đó chuốc lấy thất bại là điều không thể tránh khỏi. Với nguyên liệu hạt điều, trước hết phải sạch từ khi trồng đến lúc đưa vào nhà máy để chế biến. Mỗi doanh nghiệp hãy biết phán đoán thị trường để đưa ra chiến lược kinh doanh cho từng năm, từng giai đoạn hay từng thời điểm trong năm. Trong kinh doanh, chữ “tín” phải ưu tiên đặt lên hàng đầu và đừng bao giờ bội tín, đừng bao giờ nâng hay hạ giá một cách cơ hội để kiếm thật nhiều lợi nhuận, nếu làm như thế anh sẽ thất bại 100%. Muốn thành công, người chủ doanh nghiệp không chỉ biết bóc, tách vỏ hạt điều, không chỉ biết phân loại hạt điều mà còn phải biết đứng máy để hiểu được máy có hoàn hảo không, có chạy hết công suất không để điều hành. Bởi vậy, người chủ doanh nghiệp không còn là người kiêm nhiệm 2 trong 1 mà phải làm tròn vai 4, 5 có khi là 6 trong 1. Do vậy, làm kinh doanh khó lắm, khi kinh doanh bạn có thể thất bại 50% hoặc hơn thế nữa để rồi thành công. Tuy nhiên nếu không làm, bạn sẽ thất bại 100% hoặc không có gì cả” - nhà nông Lê Văn Hưng nói.
Đông Kiểm