【bxh primeira liga】Bừng sáng vùng quê cách mạng
(CMO) Trong chuyến công tác ở huyện Thới Bình, tình cờ tôi gặp ông Ba Khước (Huỳnh Thanh Khước, Bí thư Chi bộ ấp Cái Sắn Ngọn, xã Biển Bạch Ðông) ở thị trấn Thới Bình và được ông thông tin là đang hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị nhân sự để xin thành lập hợp tác xã (HTX).
“Kinh tế hộ gia đình của người dân Cái Sắn Ngọn giờ phát triển đa dạng, nhưng làm ăn nhỏ lẻ thì khó tránh cái vòng luẩn quẩn "được mùa - mất giá". Vì vậy, đã đến lúc phải gắn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như ổn định đầu ra của sản phẩm. Biển Bạch Ðông là 1 trong 5 xã của huyện Thới Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Cà Mau trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nên tôi dự định sẽ đặt tên HTX là An Toàn”, ông Ba Khước có vẻ tâm đắc với ý nghĩa cái tên mà mình lựa chọn cho HTX.
Diện mạo nông thôn ở Cái Sắn Ngọn. |
Quá khứ bi thương
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Cái Sắn, lại có thâm niên hơn 30 năm làm Bí thư Chi bộ ấp, chứng kiến quê hương đổi thay qua những thăng trầm của thời cuộc nên ông Ba Khước luôn nặng lòng với xứ sở.
“Ông cha đã có công khai hoang và phải đánh đổi cả mạng sống để con cháu có được nơi an cư tạo dựng sự nghiệp như hôm nay nên chúng ta phải biết trân quý và gìn giữ. Hơn nữa, Cái Sắn không chỉ là địa danh hành chính mà từng là căn cứ kháng chiến của Nam Bộ trong giai đoạn chống Pháp”. Nhắc đến thời kỳ 9 năm chống Pháp, ông Ba Khước lại bùi ngùi nhớ về vụ thảm sát do thực dân Pháp gây ra.
Ngày 21/9/1946, sau khi đánh thắng đồn Tân Bằng, lực lượng Việt Minh bắt được vài tên lính trói lại và đưa về Cà Mau. Trên đường đi, lính Pháp tháo được dây, nhảy xuống sông bị chết đuối. Ðến trưa 23/9/1946, thực dân Pháp đưa khoảng 100 lính viễn chinh từ Cà Mau xuống càn quét đồn Tân Bằng. Khi đi ngang Cái Sắn, thấy xác lính Pháp trôi vướng vào vàm, nghi là nơi đây có Việt Minh phục kích nên bọn chúng đã thẳng tay đàn áp người dân khu vực Cái Sắn (chủ yếu là đàn ông, thanh niên). Khi bọn chúng rút đi vào chiều cùng ngày thì có 23 người dân vô tội đã bị giết hại, nhiều ngôi nhà trên tuyến kênh bị thiêu rụi…
Căm thù thực dân Pháp, người dân Cái Sắn càng quyết tâm phục vụ cách mạng. Noi theo truyền thống gia đình, năm 14 tuổi, ông Ba Khước tham gia cách mạng, gia nhập Tiểu đoàn U Minh 2… Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia chiến trường Tây Nam, rồi về công tác ở Xã đội Biển Bạch. Ðến năm 1989, ông về làm Bí thư Chi bộ ấp Cái Sắn Ngọn cho đến bây giờ.
Bia tưởng niệm sự kiện bi thương ở Cái Sắn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Sự kiện bi thương ở Cái Sắn năm xưa giờ đã được dựng bia tưởng niệm tại ấp Xóm Mới và được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh; trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương.
Quê hương khởi sắc
Theo ông Ba Khước, trước đây toàn tuyến kênh dài hơn 6 km, tiếp giáp từ Sông Trẹm về Kênh Kiểm, chỉ có hơn chục nóc gia. Ðất hoang hoá nhiều, nhưng năng suất lúa không cao, người dân chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống, mỗi năm một vụ nên đời sống rất khó khăn.
Qua nhiều thế hệ, đất đai được cải tạo, trồng lúa 2 vụ, làm rẫy. Những năm 1990, nơi đây cũng từng là vùng nguyên liệu cung cấp mía cho Nhà máy đường Thới Bình. Bây giờ cây mía đã thay thế bằng những loại cây ăn trái, hoa kiểng tăng nguồn thu nhập cho người dân, nhưng kinh tế hộ gia đình ổn định vẫn là mô hình kết hợp lúa - tôm.
Ghé hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa ở ấp Cái Sắn Ngọn, điều gây chú ý đầu tiên là hàng rào bông trang được cắt tỉa thẳng tắp, phía dưới được trồng xen lẫn những bụi hoa tươi thắm và bên trong là vườn mai rừng có hơn 30 gốc. Ðây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình vì hầu hết các gốc đều đã có thể xuất bán nếu có người hỏi mua.
“Lúc đầu tính chỉ trồng vài ba cây làm kiểng cho vui nhà, nhưng rồi có người hỏi mua nên con trai tôi đã đầu tư kinh doanh. Có thể nói, từ sau ngày chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lộ giao thông được nâng cấp, mở rộng, bà con phấn chấn hăng say lao động sản xuất và đời sống phất lên thấy rõ. Hiện tại, ngoài 20 công đất canh tác thì trồng mai rừng cũng là nguồn tăng thu nhập cho gia đình”, ông Nghĩa bộc bạch.
Ông Trần Văn Xuyên, Trưởng ấp Cái Sắn Ngọn, tâm tình: "Ðiều kiện sản xuất mỗi hộ có khác nhau để tăng nguồn thu nhập thì ngoài chuyện cải tạo đất đai để làm rẫy, trồng màu…, người dân còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi lao động trong và ngoài tỉnh. Nhà nhà thi đua lao động phấn đấu thoát nghèo, nếu không vướng 1 hộ nghèo là dân tạm cư thì ấp đã xoá trắng hộ nghèo từ năm 2021. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà người dân còn quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường bằng những hàng rào cây xanh, trồng hoa dọc theo tuyến đường nông thôn. Có thể nói, tinh thần đoàn kết xóm làng đã tạo sức mạnh tập thể trong giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế và xây dựng quê hương mà người dân Cái Sắn nói chung đã noi gương ông cha, duy trì và tiếp tục phát huy trong thế hệ nối tiếp".
"Kênh Cái Sắn ngày nay được chia thành 4 ấp: Cái Sắn Ngọn, Cái Sắn Vàm, Xóm Mới và Phước Hoà, với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Chuyện buồn chiến tranh giờ đã nguôi ngoai, thời chật vật khi chỉ độc canh cây lúa cũng đã qua đi, hiện tại đời sống người dân Cái Sắn được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn nơi đây đổi thay từng ngày. Ý thức về truyền thống gia đình và tinh thần cầu tiến của người dân đã góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện đạt mục tiêu xây dựng NTM và tiếp tục hướng tới NTM nâng cao", ông Trần Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cho biết.
Mã Phi