游客发表
发帖时间:2025-01-25 19:40:42
Hải quan TPHCM chủ trì cuộc họp với doanh nghiệp. Ảnh: T.H |
Thực hiện đúng quy định
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, từ đầu năm 2020 đến 31/8/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã làm thủ tục hàng quá cảnh cho 30.627 tờ khai hải quan quá cảnh, với số lượng trên 70.000 container hàng hoá.
Trong thời gian qua, loại hình vận chuyển hàng quá cảnh qua cảng cát lớn, trung bình mỗi ngày có 300-400 container, đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 quan tâm, thực hiện thông quan cho doanh nghiệp đúng quy định.
Theo đó, căn cứ theo các quy định của Hiệp định quá cảnh Việt Nam - Campuchia và puật pháp Việt Nam hiện hành, hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam là hàng hóa phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra giám sát hải quan. Địa điểm làm thủ tục hải quan là cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS và Hệ thống E-Customs. Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan trong toàn bộ thời gian quá cảnh, vào và ra theo đúng cửa khẩu đã quy định.
Hàng quá cảnh phải niêm phong hải quan (trừ các trường hợp không niêm phong hải quan) và đảm bảo nguyên vẹn hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển qua lãnh thổ Việt Nam.
Đối với hàng quá cảnh đường thủy nội địa, phương tiện vận chuyển phải gắn thiết bị theo dõi, giám sát hành trình.
Theo các quy định về các trường hợp không niêm phong thì hàng hóa quá cảnh vận chuyển từ cửa khẩu nhập Cát Lái đến cửa khẩu xuất là Vĩnh Xương, Thường Phước, Bình Ba bằng phương tiện đường thủy nội địa không phải là đối tượng không niêm phong hải quan.
Cơ quan Hải quan không niêm phong trong trường hợp hàng hóa còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển. Để biết được hàng hóa có còn nguyên seal của hãng vận chuyển hay không thì công chức hải quan phải thực hiện việc kiểm tra seal trước khi hàng hóa bốc dỡ từ bãi container xuống xà lan để xuất cảnh sang Campuchia.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng hình thức quá cảnh để vi phạm pháp luật hải quan, như: vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tự ý tiêu thụ hàng quá cảnh tại thị trường Việt Nam, cắt seal đánh tráo hàng hoá quá cảnh.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2020 đến nay, Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phát hiện và xử phạt 19 trường hợp vi phạm về vận chuyển hàng quá cảnh, với các hành vi sai khai báo hải quan, không khai báo hải quan. Các trường hợp này đã bị xử phạt vi phạm hành chính, 1 trường hợp không được tiếp tục thủ tục quá cảnh, phải buộc tái xuất hàng quá cảnh ra khỏi Việt Nam.
Phối hợp giải quyết vướng mắc
Trước phản ánh của một số hãng vận chuyển trong thời gian gần đây bị tồn một lượng lớn container hàng quá cảnh chưa thể thông quan do phải kiểm tra niêm phong của hãng vận chuyển, tại cuộc họp do Cục Hải quan TPHCM chủ trì, các đơn vị tham gia cuộc họp cho rằng cần có sự phối hợp tốt để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, trong thời gian gần đây, nhận thấy khó khăn của doanh nghiệp, không chỉ ở cảng Cát Lái mà còn các cảng khác, Tân cảng Sài Gòn đã chủ động làm việc với cơ quan Hải quan để có giải pháp hỗ trợ. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn giải quyết. Nguyên tắc của cảng, hàng hóa phải nguyên container, nguyên seal. Những container mất seal, không còn nguyên seal đều được lập biên bản, việc sai seal do quá trình vận chuyển như va quệt... là thông lệ bình thường.
Hiện tại cảng Cát Lái còn tồn 1.800 teus (tương ứng 1.500 container) hàng quá cảnh. Theo cơ quan Hải quan, số lượng container tồn phần lớn do doanh nghiệp chưa mở tờ khai hải quan.
Đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đề xuất, việc kiểm tra seal xếp container lên tàu, doanh nghiệp cảng có thể làm được, nếu phát hiện sai sẽ báo cơ quan Hải quan.
Chủ trì cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, để tạo thuận lợi cho DN, tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các bên có liên quan.
Đối với, Tổng công ty Tân cảng là đơn vị quản lý, khai thác conatiner, đối với hàng quá cảnh phải có bãi quản lý riêng, không nên để lẫn lộn với hàng hoá XNK chung.
Các hãng vận chuyển, khi tàu nhập cảnh, các hãng tàu báo số seal cho chính xác, tránh sửa chữa nhiều lần, nếu phát hiện sai phải báo cáo sớm cho cơ quan Hải quan; khi tiến hành kiểm tra seal tiến hành phối hợp chọn địa điểm thuận lợi nhất để không ảnh hưởng đến thời gian thông quan của DN.
Công chức giám sát hải quan tuân thủ làm việc 24/24, nhưng nếu ngoài giờ hành chính, doanh nghiệp báo trước thời gian để cơ quan Hải quan chủ động bố trí công chức hải quan làm thủ tục cho doanh nghiệp.
Trước 8 giờ khi thực hiện xếp dỡ hàng hoá, cơ quan kinh doanh kho bãi cảng phải thông báo kế hoạch cho cơ quan Hải quan; chi cục Hải quan căn cứ vào lượng hàng hoá bố trí lực lượng để thực hiện làm thủ tục cho doanh nghiệp, không để ảnh hưởng đến luồng lưu chuyển hàng hoá của doanh nghiệp. Việc kiểm tra seal ở đâu, đầu nguồn hay cuối nguồn, chi cục phối hợp với cảng để thực hiện cho phù hợp.
Đối với các đơn vị vận chuyển, phối hợp ngay với cảng và doanh nghiệp để xử lý ngay số lượng hàng còn tồn. Doanh nghiệp thực hiện mở tờ khai hải quan, cơ quan Hải quan sẽ giải phóng ngay hàng hoá cho DN.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接