Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung nguồn lực triển khai tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin. Ảnh: Văn Tá. |
Cốt lõi để vận hành hải quan điện tử
Công nghệ thông tin hải quan có liên quan mật thiết và có tầm quan trọng đặc biệt tác động đến sự phát triển của thương mại, đặc biệt là hoạt động ngoại thương và đầu tư quốc tế.
Cơ quan hải quan các cấp đã triển khai có hiệu quả chủ trương hải quan điện tử, hướng đến mục tiêu hải quan số, kết nối thông tin điện tử với cơ quan hải quan các nước và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% cục hải quan và 100% chi cục hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS. Bình quân mỗi năm, Hệ thống VNACCS/VCIS xử lý thành công khoảng 11 triệu tờ khai hải quan điện tử, trong đó có khoảng 53% số tờ khai thuộc diện luồng xanh, tức là thông quan trong khoảng thời gian từ 1 - 3 giây.
Hệ thống quản lý hải quan tự động (Hệ thống VASSCM được triển khai tại 33/35 cục hải quan tỉnh và thành phố, qua đó giảm tiếp xúc giữa công chức Hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp.
Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, song, theo PGS. TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), nền tảng hệ thống VNACCS/VCIS do phía Nhật Bản tài trợ được vận hành từ năm 2014 và các hệ thống vệ tinh đã trải qua thời gian sử dụng lâu dài. Chưa kể, Hệ thống VNACCS/VCIS chưa đáp ứng được một số hoạt động thương mại quốc tế mới nên các thiết kế về phần cứng, phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự tăng trưởng đột biến về lượng giao dịch của các loại hình thương mại mới dẫn đến bị quá tải.
Sớm phê duyệt thỏa đáng nguồn kinh phí, đầu tư có chiến lược
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung nguồn lực triển khai tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số.
Theo đó, khi hệ thống công nghệ thông tin mới của ngành Hải quan được đưa vào vận hành, thủ tục hải quan sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Để đạt được mục tiêu về phát triển công nghệ thông tin hải quan được xác định tại Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030 và sớm khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống công nghệ thông tin hải quan hiện nay, cần triển khai ngay một số giải pháp cấp bách.
Trong đó, PGS. TS. Lê Xuân Trường cho rằng, quan trọng nhất là sớm phê duyệt thỏa đáng nguồn kinh phí, đầu tư có chiến lược để xây dựng hệ thống hải quan thông minh. Trước mắt, cần sớm nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Sau đó, cần thay thế hệ thống VNACCS/VCIS hiện hành bằng hệ thống mới, ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất và là hệ thống mở để có thể dễ dàng nâng cấp, cập nhật những thành tựu mới của công nghệ thông tin. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống dự phòng đảm bảo đầy đủ về điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành thay thế cho hệ thống chính khi xảy ra sự cố.
Khi xây dựng hệ thống hải quan thông minh, chú trọng ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Điện toán đám mây (Cloud), Di động (Mobility))…
Đầu tư cho Hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan trong thời gian tới cần đảm bảo yêu cầu có mức độ tích hợp cao, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin, dễ dàng mở rộng và phát triển khi có yêu cầu quản lý mới, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ quan hải quan; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ các cấp.
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin của ngành Hải quan cũng như trình độ công nghệ thông tin cho công chức hải quan đáp ứng yêu cầu phát triển hải quan thông minh, hải quan số.
Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc kết nối và xử lý các thủ tục quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan trong mô hình chính phủ số, sớm đạt mục tiêu 100% các thủ tục quản lý nhà nước của các bộ, ngành được kết nối và xử lý hoàn toàn tự động phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan và thông quan hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động phối hợp, kết nối hệ thống thông tin của hải quan với các doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ để hướng đến mô hình hải quan thông minh gắn với quản trị doanh nghiệp thông minh và kinh doanh số.
Mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia Tính đến 30/9/2024, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 74,2 nghìn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia. Việt Nam duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Cơ quan hải quan đang tích cực triển khai các nội dung công việc liên quan đến Dự án mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN (giai đoạn 3). |