KBNN yêu cầu các đơn vị đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Ngành Thuế đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Định hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của ngành Kho bạc |
Tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Mỹ Thành từ nguồn vốn đầu tư công đã được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Ảnh: VGP |
Nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong năm 2023, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144.000 tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cho thấy nỗ lực của ngành Tài chính cùng các bộ, ngành và địa phương trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phát triển kinh tế nói chung.
Với các địa phương, tùy đặc điểm tình hình mà có kết quả giải ngân khác nhau, trong đó có địa phương hoàn thành ở mức cao và hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra.
Như tại Bình Định, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 25/12/2023 đạt 7.718,4 tỷ đồng, bằng 101,15% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 7.630,6 tỷ đồng. Dự kiến đến hết niên độ NSNN năm 2023, vốn đầu tư công do tỉnh Bình Định quản lý giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã thực hiện dự toán chi chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiết kiệm, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, lãng phí. Trong thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển, tỉnh đã linh hoạt đáp ứng kịp thời kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Tại Bắc Giang, theo báo cáo của địa phương này, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 toàn tỉnh đạt 96,8% kế hoạch. Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tỉnh xác định đẩy nhanh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi, với tinh thần “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời”.
Tương tự, chi đầu tư phát triển tại Thừa Thiên Huế dự kiến cả năm giải ngân đạt 5.346 tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán; cơ bản các nguồn vốn đều đạt tiến độ giải ngân; riêng vốn vay lại dự kiến chỉ đạt 78% dự toán do một số dự án mới đủ điều kiện giao vốn vào những tháng cuối năm.
Tại Long An, đến ngày 20/12/2023 đã giải ngân 8.981,2 tỷ đồng, đạt 91,22% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 83,29% kế hoạch, tỉnh này phấn đấu hết ngày 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 99% kế hoạch.
Ước giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thái Nguyên đến hết tháng 12/2023 đạt hơn 7,617 tỷ đồng, bằng 96,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Số kế hoạch vốn còn lại, tỉnh Thái Nguyên dự kiến giải ngân hết trong thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2023 vào tháng 1/2024.
Phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước
Tại TP Đà Nẵng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm đạt 59,4%, phấn đấu đến hết 31/1/2024 giải ngân vốn giao trong năm đạt mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023. Vì thế, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngành Tài chính Thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, chủ động, bám sát dự toán mà trung ương và HĐND thành phố giao.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, địa phương đang đề xuất Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Đà Nẵng nhằm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và trong phân cấp quản lý để tạo điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu kiến nghị, các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dự án bất động sản tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm tạo đà phục hồi cho thị trường bất động sản trong thời gian tới để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, từ đó đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình của địa phương đã bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu này.
Năm 2024, về chi đầu tư công, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Bộ Tài chính cũng yêu cầu tập trung phân bổ chi tiết, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn vốn sang năm sau.