TPHCM thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch kho bạc | |
Thẻ tín dụng nội địa sẽ là xu hướng thanh toán mới của người dùng Việt Nam | |
NAPAS tiếp tục miễn phí cho các giao dịch thanh toán điện tử |
Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, trong khi rút tiền qua ATM giảm gần 10%. |
Theo đại diện lãnh đạo các ngân hàng, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến quy mô giao dịch tại các kênh giao dịch của ngân hàng. Khách hàng cũng đã có sự thay đổi về cách thức sử dụng phương tiện thanh toán, hạn chế chi tiêu tiền mặt, chủ trọng thanh toán không dùng tiền mặt và đặc biệt ưu tiên thanh toán trực tuyến.
Đơn cử, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong năm 2021, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của Vietcombank tăng trưởng 62,5% về số lượng giao dịch và gần 30% về giá trị giao dịch so với năm 2020, tương ứng đạt khoảng 1,5 triệu giao dịch online bình quân/ngày.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được khách hàng đẩy mạnh sử dụng, đặc biệt là phương thức thanh toán bằng mã QR với tổng quy mô thanh toán QR năm 2021 bằng 213% so với năm 2020. Quy mô khách hàng sử dụng dịch vụ online của Vietcombank tăng trưởng 39% so thời điểm cuối năm 2020; tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ online so tổng số lượng khách hàng của Vietcombank đạt 36%.
Đối với giao dịch thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt giảm đồng thời doanh số thanh toán thẻ tại các mạng lưới các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ của Vietcombank tăng 25% so với cùng kỳ.
Còn theo thống kê của NAPAS, tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm qua, trong quý 1/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quý 1/2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Như xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công; đồng thời thúc đẩy các tổ chức tín dụng, tổ chức thanh toán việc ứng dụng công nghệ để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy việc hợp tác ngân hàng - công ty Fintech để cung ứng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên các ứng dụng điện thoại thông minh…
Do vậy, các ngân hàng và các công ty, tổ chức liên quan đều đang tích cực phát triển các sản phẩm, dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, từ thanh toán bằng thẻ ngân hàng đến các hình thức thanh toán trực tuyến qua các kênh điện tử như Ngân hàng số, Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, ví điện tử…
Theo bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank, nhằm gia tăng sự tiếp cận của người dân với nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, Agribank thời gian gần đây đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích khách hàng giao dịch trên các kênh điện tử cũng như cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Mặt khác, các công nghệ thanh toán cũng ngày càng hiện đại. Các sản phẩm thẻ ngân hàng không ở phương thức truyền thống là cà/ quẹt hoặc đưa thẻ vào khe đọc thẻ mà hiện nay chỉ cần “chạm” để thanh toán. Ngoài ra, các ngân hàng còn triển khai phương thức thanh toán trên các ứng dụng di động như mã vạch hai chiều QR Pay, thanh toán trên thiết bị di động ứng dụng công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn NFC.
Các ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, các đơn vị hành chính công để thực hiện hiệu quả việc thu, nộp Ngân sách Nhà nước, các loại thuế phí, lệ phí và chi tiêu bằng các phương thức thanh toán hiện đại tiện lợi. Thậm chí, các ngân hàng còn tạo ra những hệ sinh thái thanh toán đa dạng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, từ giáo dục, y tế, điện, nước, viễn thông đến nhà hàng, khách sạn, du lịch, giải trí, mua sắm, vận tải, bảo hiểm, chứng khoán, xăng dầu...