Một buổi trưa hè,ênđườngdấuấnvănhóaHuếlucki88 nhận được cú điện thoại của TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế, bảo có “một người đặc biệt” đang tới thăm đường Tôn Thất Dương Kỵ của anh (lời của Hằng), tôi vội vàng đón khách và được gặp TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân, con gái của vị giáo sư đáng kính. Hằng giới thiệu, trong chuyến công tác và có dịp về thăm quê, hay tin ở Huế mới có con đường mang tên cha là Tôn Thất Dương Kỵ rất cảm kích nên TS. Quỳnh Trân tranh thủ ghé thăm. Bà hiện là một nhà nghiên cứu nổi tiếng và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đường Tôn Thất Dương Kỵ đi ngang qua nhà tôi, giao nhau với đường Hồ Đắc Di, mới được đặt tên cách nay không lâu và hiện chưa có số nhà. Tư chất thông minh và kiến thức uyên bác, Tôn Thất Dương Kỵ sớm nổi lên trong vai trò là một nhà báo và là nhân sĩ, trí thức lớn của Huế. Tôi đã có dịp tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Đặc biệt, trong vai trò người sáng lập tập san Ngày Mai, ủng hộ đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử sau năm 1954, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đóng cửa chỉ sau 4 số và bị bắt giam. Một con người thật đáng kính. Trong câu chuyện ngắn ngủi, bà Quỳnh Trân cũng đã nhắc lại những kỷ niệm về người cha, về tập san Ngày Mai và nhà in Khánh Quỳnh.
Sống ở Huế, đôi khi tôi vẫn ngỡ ngàng khi bắt gặp những tên đường phố. Đô thị phát triển, thành phố mở rộng, những con đường được mở ra và nhiều tên phố mới xuất hiện. Dù được đặt tên gì cũng là một câu chuyện đáng được tìm hiểu, nhất là với Huế từng là kinh đô của đất nước. Gần đây, Hương Thủy phát triển thành thị xã, xã Thủy Phương quê tôi thành phường và nhiều con đường làng, đường xóm được đặt tên, trong đó có đường Nguyễn Văn Chư. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một trận đánh và nó đã gắn liền với con người này. Đó là vào đầu năm 1975, ta chuẩn bị giải phóng Thừa Thiên Huế, ông Vũ Thắng sau này là Bí thư Tỉnh ủy đã về Thủy Phương, vùng giáp ranh, nơi có phong trào cách mạng phát triển. Bị kẻ địch phát hiện, một cuộc chiến đấu không cân sức xảy ra và Xã đội trưởng Thủy Phương Nguyễn Văn Chư anh dũng hy sinh.
Người Nhật chỉ đặt tên cho những đường phố lớn, còn lại thì không. Nhiều nước phương tây đặt tên theo số, quang cảnh, cây cối... Còn ở ta, bên cạnh các địa danh hay ngành nghề, tên các đường phố chủ yếu là các danh nhân. Huế không ngoại lệ và trở thành truyền thống. Vậy nên, mới có những con đường có nhiều tên gọi. Tiêu biểu đường Lê Lợi, khởi thủy người Pháp đặt là Jules Ferry, tên một thủ tướng Pháp; năm 1943 chia 2, đoạn từ cầu Trường Tiền đến Đập Đá đặt tên Graffeuil, tên của một Khâm sứ Trung Kỳ; năm 1956 đặt lại tên là Lê Thái Tổ và đến năm 1965 đổi thành Lê Lợi, tồn tại cho đến ngày nay. Ngoài ra, còn các tên dân gian: Thủy Sư và Tòa Khâm. Hay như đường Trần Thúc Nhẫn, xưa có tên là Dodart de Lagreé, một nhà thám hiểm Pháp.
Đặt tên đường là nét văn hóa của một vùng đất và của cả một dân tộc. Đi trên các đường phố ở Huế và các địa phương trong tỉnh vẫn thấy có nhiều danh nhân được chọn đặt chưa xứng tầm, trong khi nhiều người xứng đáng lại chưa được chọn, nhưng nhìn chung vẫn có một cảm giác khám phá và thích thú. Sẽ có rất nhiều người không biết đến Nguyễn Văn Chư ở quê tôi và ngay cả Tôn Thất Dương Kỵ không phải ai cũng tường tận. Thế nhưng có dịp tìm hiểu, ta sẽ hiểu, đồng cảm và tự hào về họ. Còn nếu, dưới các biển tên đường có kèm thêm chú thích về các danh nhân, như cách Hà Nội đang làm, thì đi trên đường phố Huế sẽ có được cảm tưởng thú vị như đi trong lòng một bảo tàng lịch sử phong phú và đa dạng.
ĐAN DUY