Lập ki-ốt khai báo y tế ngay tại cổng Đến làm thủ tục thông quan lô hàng tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, các DN khá bất ngờ sau khi sát khuẩn tay, được nhân viên bảo vệ Chi cục hướng dẫn thực hiện khai báo y tế điện tử. Chỉ mất vài phút, DN đã hoàn thành xong phần khai báo tình trạng sức khỏe, lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc những ngày qua. Đây là một trong những cách làm sáng tạo được lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư triển khai từ ngày đầu cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả doanh nghiệp khi đến liên hệ công việc, làm thủ tục hải quan phải đăng ký khai báo các thông tin y tế. Đặc biệt, để đảm bảo ki-ốt khai báo y tế không trở thành một nguồn lây do quá nhiều người chạm vào, một nhân viên bảo vệ túc trực thường xuyên yêu cầu mọi người phải sát khuẩn tay trước và sau khai báo y tế và đứng cách nhau hơn 2m. Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư Nguyễn Xuân Bình, ngoài việc lắp đặt máy tính hỗ trợ khai báo y tế tại cổng ra vào, hiện nay Chi cục thực hiện hướng dẫn cho DN khai báo y tế trước khi đến làm thủ tục để tránh tập trung đông người. Về lâu dài, các thông tin cập nhật của DN sẽ giúp chi cục có giải pháp quản lý và phục vụ DN tốt hơn. Không chỉ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, tại trụ sở Cục Hải quan TPHCM và toàn bộ các điểm thông quan tại các chi cục hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu đều được triển khai các bộ phận hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện sát khuẩn ngay tại cổng ra vào, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. "Cái khó ló cái khôn" Với đặc thù quản lý, một số chi cục thuộc Cục Hải quan TPHCM đã có sáng tạo những dụng cụ, thiết bị, phương án phòng dịch hiệu quả để đảm bảo thông quan hàng hoá nhanh nhưng an toàn, nhất là trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội. Tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, mỗi ngày phải tiếp nhận, làm thủ tục cho hàng nghìn bưu phẩm, công văn hồ sơ của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh, ngoài việc yêu cầu các công ty chuyển phát nhanh thực hiện khử khuẩn các bưu kiện hàng hoá, chi cục đã có nhiều sáng tạo trong việc tiếp nhận hồ sơ, công văn của DN để tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Theo ông Bùi Thanh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Chi cục thực hiện tiếp nhận công văn ký số, đóng dấu của các DN chuyển phát nhanh, DN bưu chính bằng bản scan gửi qua hộp thư điện tử và thực hiện xử lý, phản hồi qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Cùng với đó, để tận dụng hạ tầng sẵn có, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh tạo Group qua ứng dụng Viber kết nối giữa lãnh đạo chi cục và lãnh đạo DN chuyển phát nhanh, DN bưu chính để trao đổi các thông tin cần thiết, cũng như tháo gỡ ngay các vướng mắc trong việc thông quan hàng hoá. Đặc biệt, đơn vị đã mua thiết bị, chế tạo máy khử khuẩn tài liệu với chi phí rất thấp, chỉ bằng 1/10 chi phí bán máy trên thị trường. Với chiếc máy này, toàn bộ công văn, hồ sơ của DN cần nộp bản giấy cho cơ quan Hải quan sẽ được DN đặt vào khử khuẩn trước khi công chức xử lý. Điều hành hiệu quả qua hệ thống quản trị HCAS Để thực hiện thông suốt công tác điều hành, chỉ đạo công việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cục Hải quan TPHCM đã sử dụng Hệ thống quản trị Hải quan TPHCM (HCAS) trong quản lý, điều hành công việc hàng ngày để hạn chế tiếp xúc và quản lý công việc trực tuyến của cán bộ công chức (CBCC) được bố trí, sắp xếp làm việc tại nhà. HCAS - là đề án tăng cường công tác cải cách hiện đại hóa mang tính đột phá trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ thông tin trên cơ sở tích hợp, đa nền tảng, kết nối quản lý hành chính nội bộ với chỉ đạo điều hành và hỗ trợ xử lý nghiệp vụ (dữ liệu giá, tra cứu mã số HS nhanh, tra cứu văn bản...). Cùng với đó, chương trình này còn hỗ trợ kết nối chia sẻ thông tin giữa Cục Hải quan TPHCM với các ban ngành trên địa bàn TPHCM, như: Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM…; Kết nối hoạt động nghiệp vụ với hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp XNK; Giao dịch của cơ quan Hải quan và DN thông qua hệ thống CNTT giao dịch điện tử. Với chương trình này, lãnh đạo các cấp có thể điều hành mọi hoạt động của đơn vị thông qua Hệ thống CNTT; lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có thể giám sát mọi hoạt động của Cục Hải quan TPHCM; việc trao đổi và cung cấp thông tin của các ban ngành TPHCM được nhanh chóng; doanh nghiệp có thể được hỗ trợ thông tin kịp thời thông qua các giao dịch điện tử; công chức hải quan được hỗ trợ công cụ để tác nghiệp nhanh hơn, rút ngắn thời gian thông quan. Đồng thời, Cục Hải quan TPHCM triệt để sử dụng các ứng dụng làm việc nhóm trên máy tính, thiết bị thông minh; triển khai áp dụng chữ ký số, ban hành văn bản điện tử, hạn chế ký trực tiếp văn bản, chỉ thực hiện trình ký trực tiếp đối với trường hợp đặc thù theo quy định... |