Nhiều nguyên nhân gây khó Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của lực lượng chức năng, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560,609 tỷ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ/1.610 đối tượng. Kết quả này đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách, bảo vệ sản xuất trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền lợi sức khỏe của người dân. Tuy nhiên theo ông Dũng, mặc dù công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn cần nỗ lực hơn để tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường internet, thương mại điện tử. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá, tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp,... Phân tích nguyên nhân, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, trước tiên do vẫn chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho buôn lậu. Ngoài ra, công tác trao đổi, chia sẻ thông tin về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các ngành, các lực lượng chức năng đôi lúc chưa kịp thời. Công tác phối hợp với các tổ chức nước ngoài liên quan đến các trang điện tử, mạng xã hội quốc tế gặp nhiều khó khăn khi xác minh, xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế. Trong khi đó, nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh còn hạn chế. Mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ Dự báo thời gian tới, việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng; nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức online, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… tăng cao. Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên, tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định, những tháng cuối năm, các lực lượng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Bên cạnh đó, các ban chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, các ban chỉ đạo cần áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời biểu dương, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
|