Thời điểm này năm ngoái, tỷ giá USD/VND đang sóng sánh tìm điểm cân bằng sau cú sốc phá giá Nhân dân tệ và sau các điều chỉnh chính sách trong nước.
Thời điểm này năm nay, tỷ giá USD/VND đang hướng về một năm có thể phá vỡ các dự báo trước đó. Ít nhất đã có 8 tháng liên tục tỷ giá gần như không thay đổi, không có biến động nào thực sự lớn.
Quanh sự ổn định này, có 5 điểm chính đang thể hiện.
Thứ nhất,cơ chế tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ đầu năm 2016 đã tạo bộ giảm chấn cho thị trường trong nước trước những tác động lớn từ bên ngoài.
Điển hình đầu tiên là sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (sự kiện Brexit), diễn ra từ tháng 6-2016. Tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chỉ sóng sánh duy nhất trong ngày sự kiện này diễn ra, rồi nhanh chóng ổn định.
Điển hình nữa, nổi bật hơn nếu so với quan ngại ồn ào về “ngáo ộp” phá giá Nhân dân tệ từ tháng 8-2015. Năm nay, dù mức độ không dồn vào một thời điểm, nhưng đồng Nhân dân tệ vẫn tiếp tục mất giá mạnh, nhưng không còn phản ánh mạnh mẽ với hiệu ứng quan ngại vào tỷ giá USD/VND. Tính đến cuối tuần qua, mức độ mất giá của đồng Nhân dân tệ cũng đã bằng phân nửa so với năm ngoái (4,63% so với 9,26%).
Thứ hai, tâm lý lãng quên là điều được ghi nhận trên thị trường. Đến thời điểm này, thị trường đã không còn tâm lý đồn đoán về điều chỉnh tỷ giá, điều thường định hình như một điểm hẹn những năm trước, đặc biệt quãng cuối tháng 6.
Đi cùng, các sự kiện từng được cho là có tác động lớn tới tỷ giá USD/VND như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất, sự kiện đồng Nhân dân tệ chính thức vào giỏ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 1/10 tới…, cũng đã dần pha loãng trong thông tin phản ánh tâm lý trên thị trường.
Và với diễn biến suốt 8 tháng qua, cùng cơ chế tỷ giá trung tâm, tâm lý chờ đợi các bước nhảy điều chỉnh của tỷ giá USD/VND vào thời điểm cuối năm, năm nay có thể sẽ khác biệt so với những năm trước.
Với thị trường, càng nhiều tin đồn, nhiều hiệu ứng tâm lý càng phản ánh bất lợi về giá trị niềm tin, càng khiến chính sách thụ động và cả tốn kém nguồn lực. Năm nay, triển vọng khắc phục điểm này đang thể hiện.
Thứ ba, những giá trị chính nương theo ổn định tỷ giá đang được ghi nhận.
Đầu tiên, trạng thái ổn định tỷ giá USD/VND kéo dài, cùng các cân đối lợi ích khác (chính sách trần lãi suất), đã kích thích lượng lớn ngoại tệ chuyển đổi sang VND, để Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn ngoại tệ, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối quốc gia.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã vượt trên 40 tỷ USD, sau khi có xu hướng giảm về gần 30 tỷ USD cuối 2015. Đây là tấm đệm để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào. Nếu có độ tín nhiệm tốt hơn, chi phí Chính phủ và doanh nghiệp đi vay nước ngoài có thể được mềm hơn, thu hút đầu tư nước ngoài có thêm lợi thế để hấp dẫn.
Liên quan đến chi phí như trên, các khoản vay nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp bằng USD, năm nay cho đến thời điểm này, cơ bản đã tạm loại trừ rủi ro đội lên từ biến động tỷ giá như những năm trước.
Giá trị rộng hơn, ổn định tỷ giá USD/VND góp phần ổn định vĩ mô. Thị trường ngoại hối 8 tháng qua gần như không có xáo trộn. Ngay cả khi sóng vàng bất thần xuất hiện và dâng rất cao vừa qua, hiệu ứng lôi kéo của nó đối với tỷ giá, thường thấy rõ trước đây, cũng gần như bị loại trừ.
Thứ tư,điểm luôn có những tranh luận các năm trước, cũng như cho năm nay, là mức độ phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu đã trở nên mờ nhạt, gần như không thể hiện trong sự ổn định 8 tháng qua.
Tuy nhiên, ở đây có hai điểm được nhìn nhận.
Một là, Ngân hàng Nhà nước đã chặn đà rơi của tỷ giá suốt từ tháng 2/2016 đến nay, gián tiếp hỗ trợ xuất khẩu; vì không chặn thì tỷ giá đã có thể rơi sâu hơn nữa và gây bất lợi cho nhà xuất khẩu.
Hai là, tỷ giá được giữ ổn định đã hỗ trợ trở lại cho nhà xuất khẩu khi xét ở giá trị của nguồn vốn tín dụng ngoại tệ.
Một trong những điểm đầu tiên mà tân Thống đốc Lê Minh Hưng triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp là mở lại tín dụng ngoại tệ. Cho đến nay, đây là nguồn vốn được khẳng định giá trị chi phí thấp, lãi suất cho vay USD thấp hơn nhiều so với VND; tỷ giá USD/VND được giữ ổn định kéo dài như một sự bảo hiểm rủi ro cho nguồn vốn vay chi phí thấp đó cho các nhà xuất khẩu.
Thứ năm, sự ổn định kéo dài của tỷ giá USD/VND cũng phản ánh một phần bộ mặt của kinh tế vĩ mô.
Khi trao đổi với VnEconomy về sự ổn định này, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý rằng, sự ổn định của tỷ giá thời gian qua gắn với lạm phát thấp, sự khó khăn của nền kinh tế và tình hình nhập siêu.
Như một số phân tích từng đưa ra trước đây, nền kinh tế khó khăn, hoạt động nhập khẩu kém đi khiến cầu ngoại tệ nguội bớt và cân đối thuận lợi hơn cho tỷ giá. Điểm này cũng thể hiện trong thời gian qua.
Cụ thể, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng trưởng không đáng kể với 0,3%. Điều này góp phần dẫn tới cân đối thuận lợi cho tỷ giá, Việt Nam xuất siêu 8 tháng đầu năm 2,87 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Maritime Bank phân tích, hoạt động của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chi phối rõ rệt đối với hoạt động thương mại của cả nước. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu - nhập khẩu của khối FDI lần lượt chiếm gần 70% và 60% tổng kim ngạch. Với mức xuất siêu hơn 14 tỷ USD trong 8 tháng, khối này cũng là động lực chính giúp cán cân thương mại cả nước thặng dư; đồng nghĩa với việc, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu tới hơn 11 tỷ USD trong cùng kỳ.
“Việc phụ thuộc lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mang lại rủi ro lớn do hoạt động của khu vực này phụ thuộc nhiều vào biến động kinh tế thế giới”, báo cáo trên nhìn nhận.
Như trên, tỷ giá USD/VND đến nay đã có 8 tháng rất ổn định, khác biệt lớn so với nhiều năm trước. Bên cạnh 5 điểm chiếu theo đó, có hai thực tế khác bên lề.
Một là, khi quá ổn định và thị trường thiếu sóng, hiệu quả của hoạt động đầu cơ và đầu tư ngoại tệ hạn chế đi.
Hai là, dù vẫn luôn phải thường trực điều tiết vốn và cân đong lãi suất trên các thị trường, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thêm thời gian và điều kiện để xử lý các công việc khác, thay vì gồng mình, dồn sức và tốn lực để xử lý các biến động tỷ giá nổi lên như nhiều năm trước.
Tuy nhiên, vẫn khó trù tính sự ổn định của tỷ giá USD/VND sẽ kéo dài đến đâu, khi mà từ tháng 8 vừa qua tình hình nhập khẩu đã có chiều hướng mạnh hẳn lên. Và phía trước là quý cuối năm, mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán và chi trả, cầu ngoại tệ có thể bắt đầu thay đổi.