Bà có thể cho biết sự cần thiết phải ban hành Luật thuế Bảo vệ môi trường?ếmôitrườnggópphầnthayđổihàkqbd đêm nay
Như trong Luật có đề cập, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái nên chúng ta cần có các giải pháp giảm dần tình trạng phát thải chất độc hại gây nguy cơ ô nhiễm.
Bên cạnh đó, chính sách thuế hiện hành có mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng chỉ là lồng ghép không phải là mục tiêu chính, chưa điều chỉnh hết các hoạt động sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Do đó, Luật thuế Bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế cần được xây dựng để điều chỉnh các khoản thu ngân sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của nước ta cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới là phát triển kinh tế bền vững ít gây ô nhiễm.
Thưa bà, liệu có thể xảy ra hiện tượng đánh thuế trùng khi các DN, đặc biệt là DN kinh doanh khoáng sản, đang phải chịu Thuế Tài nguyên rồi, nay lại phải chịu thêm Thuế Bảo vệ môi trường?
Chắc chắn sẽ không có chuyện đánh thuế trùng vì mỗi sắc thuế có một đối tượng thu khác nhau. Thuế Tài nguyên là loại thuế thu vào các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thuế Bảo vệ môi trường là loại thuế thu vào một số sản phẩm, hàng hoá gây tác động xấu đến môi trường.
Nếu vậy, mục đích thu thuế Bảo vệ môi trường là gì? Khoản thuế này có được sử dụng tách bạch với các nguồn thu khác không?
Luật thuế Bảo vệ môi trường điều chỉnh một số nhóm hàng hóa: Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá, dung dịch HCFC; túi nilon; một số loại thuốc hạn chế sử dụng như thuốc diệt cỏ, trừ mối, bảo quản lâm sản... Tuy nhiên, một số nhóm vẫn tiếp tục thực hiện các khoản thu phí như: Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, khoáng sản (đá, than đá, than bùn, quặng khoáng sản kim loại...). Riêng việc thu phí xăng, dầu theo quy định tại Pháp lệnh về phí và lệ phí cũng sẽ hết hiệu lực thi hành mà chuyển sang thu thuế Bảo vệ môi trường. Quá trình giám sát và thực thi thuế môi trường cần phải chặt chẽ để phát huy được tính hiệu quả của Luật, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho DN dễ dàng hướng đến phát triển bền vững.
Thuế Bảo vệ môi trường nhằm tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Nguồn thu từ thuế Môi trường được đưa vào ngân sách Nhà nước như tất cả các khoản thuế khác. Từ nguồn ngân sách Nhà nước mới phân bổ theo các cấp từ Trung ương đến địa phương để chi vào các công việc như: Đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng... và trong đó có bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc chi sẽ được tính toán, cân đối dựa trên số thu để đảm bảo đúng mục đích.
Ngân sách địa phương sẽ được hưởng bao nhiêu % từ các khoản thuế, phí này để tái tạo môi trường ở chính địa phương mình?
Các địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng về môi trường từ những hoạt động khai thác khoáng sản hay sản xuất ô nhiễm sẽ được giữ lại 100% các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường để chi cho việc tái tạo. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt như sản xuất thủy điện, khai thác than... gây ảnh hưởng đến môi trường không chỉ ở một địa phương thì Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn với những phát sinh cụ thể.
Luật thuế Bảo vệ môi trường điều chỉnh 8 nhóm mặt hàng nhưng không có khí thải công nghiệp - một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Trong tham luận của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi soạn thảo Luật này có đề xuất đưa khí thải công nghiệp vào đánh thuế Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây là một loại hình ô nhiễm khó phân chia nên chưa thể đưa vào luật. Đây là lần đầu tiên Luật thuế Bảo vệ môi trường được áp dụng tại Việt Nam nên những nhà soạn thảo đã lựa chọn những nhóm dễ nhận biết nhất để có biện pháp quản lý rõ ràng, minh bạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung trong tương lai.
Trách nhiệm đóng thuế thì đã rõ, vậy người dân và DN sẽ được hưởng lợi ích gì từ việc đóng thêm thuế Bảo vệ môi trường?
Thuế là khoản thu bắt buộc nhưng không hoàn trả trực tiếp mà thông qua các khoản chi ngân sách Nhà nước như xây dựng đường xá, bệnh viện, trường học... Nộp thêm Thuế Bảo vệ môi trường, người dân và DN sẽ góp thêm vào nguồn kinh phí để khắc phục ô nhiễm, tái tạo môi trường cũng là chung tay bảo vệ môi trường sống, môi trường làm việc của chính chúng ta.
Xin cảm ơn bà!
Hồng Vân(thực hiện)