(CMO) Phần lớn các HTX ở Cà Mau có quy mô nhỏ, không thực hiện được chế độ kế toán thống kê, báo cáo tài chính. Nhiều HTX còn trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động sắp xếp đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến các HTX phải giải thể hoặc ngưng hoạt động.
Theo báo cáo của Liên minh HTX, năm 2016, toàn tỉnh thành lập mới 7 HTX, nhưng giải thể tới 43 HTX, chuyển qua loại hình khác 2 HTX. Hiện toàn tỉnh còn 238 HTX, nhưng có đến 124 HTX ngưng hoạt động; 114 HTX đang hoạt động, nhưng có đến 58 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sản xuất tập thể là điều kiện cần để cơ giới hóa sản xuất. |
Phần lớn các HTX này hoạt động kém hiệu quả, chủ yếu tham gia cung cấp các dịch vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như cung cấp cây, con giống mà chưa triển khai được dịch vụ hỗ trợ đầu tư cho quá trình sản xuất như bao tiêu sản phẩm, điều tra nắm bắt thông tin thị trường... Vì thế, thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX chỉ khoảng 28 triệu đồng/người/năm, thấp hơn bình quân đầu người của tỉnh gần 10 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Lê Văn Kháng cho biết, hiện các HTX đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, tổ chức lại HTX theo quy định của Luật HTX 2012 do nhiều HTX ngưng hoạt động đã lâu, các thành viên trong HTX bỏ đi nơi khác làm ăn không liên hệ được. Vấn đề xử lý nợ tồn đọng, xác định quyền sở hữu tài sản trong HTX, việc ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 cũng rất khác nhau, các văn bản dưới luật ban hành chậm, thiếu đồng bộ; một số nội dung chưa được hướng dẫn.
Các chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng lại áp dụng chung cho tất cả các mô hình HTX nên gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Trường Đời, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, thuộc ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, hầu hết các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay của các ngân hàng. Vấn đề thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn vay đang là những khó khăn chung của các HTX.
Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, trong năm 2017, Liên minh HTX đẩy mạnh phối hợp xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới sản xuất cây, con theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP, cung cấp thông tin thị trường kể cả đầu vào và đầu ra sản phẩm, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chuỗi liên kết doanh nghiệp với HTX. Theo đó thành lập mới 80 tổ hợp tác, 15 HTX. Giải thể 100% HTX nằm trong danh sách yếu kém, đã ngưng nghỉ hoạt động theo kết quả rà soát năm 2016. Từng bước củng cố nâng mức thu nhập bình quân của người lao động và các thành viên trong HTX lên 35 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân của HTX đạt 780 triệu đồng/năm trở lên.
Trung Đỉnh
Thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL, giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã chọn thực hiện thí điểm nhân rộng mô hình 15 THT và HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đây là những giải pháp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hoá, cũng như tăng hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đang đặt ra cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. |