Toàn cảnh phiên họp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh quý II/2024. Ảnh: Việt Dũng |
Kết thúc quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh ghi nhận diễn biến khá tích cực. Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế địa phương tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng từ cuối năm 2023, với GRDP ước tăng 6,54% (so với cùng kỳ năm 2023), đứng thứ 2/5 thành phố trực thuộc trung ương; đứng thứ 2/6 các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành.
Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,85%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,66%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 270.264 tỷ đồng, tăng 12,2%. Thu chi ngân sách cũng có chuyển biến tích cực. Các mặt công tác văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại cũng đã được triển khai theo kế hoạch và đạt kết quả rất tốt, tạo sự liên kết, lan tỏa giữa các ngành và điều này cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Theo ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, kết quả tăng trưởng kinh tế ở quý I là tích cực và nếu tiếp tục đà này trong quý II và các quý còn lại của năm thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 là từ 7,5% đến 8% hoàn toàn có thể thực hiện được. ‘‘Kết quả này là nỗ lực chung và sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP. Đặc biệt, khối quận, huyện đã thực hiện rất nhiều công việc trên địa bàn như sắp xếp tổ chức bộ máy, khu phố ấp, giải phóng mặt bằng, quản lý địa bàn…’’ - ông Phan Văn Mãi nói.
Về giải ngân vốn đầu tư công, trong quý I/2024, thành phố đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng và nhiệm vụ còn lại của năm là 73.000 tỷ đồng. Như vậy mỗi quý phải giải ngân trên 24.000 tỷ đồng, mỗi tháng trên 8.000 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề mà TP. Hồ Chí Minh cần phải tập trung, có sự phối hợp đồng bộ thì mới đạt được kết quả tốt.
Để làm được việc này, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn trong công tác phối hợp để thúc đẩy tiến độ công việc. Khi có vấn đề phát sinh, vướng mắc phải phản ánh ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; trường hợp nếu không có chuyển biến thì phản ánh cho Thường trực UBND, Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo để giải quyết ngay.
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nối đà phục hồi, tăng trưởng từ cuối năm 2023. Ảnh tư liệu |
Phát biểu kết luận tại phiên họp triển khai nhiệm vụ quý II/2024 vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh 76 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Trong đó, liên quan đến chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội”, đối với chuyển đổi số cần tập trung vào 3 nội dung gồm: dữ liệu và khai thác dữ liệu; vận hành trung tâm điều hành thông minh gắn với hệ thống giám sát của thành phố; hệ thống điều phối, vận hành chính quyền số của thành phố; riêng Nghị quyết 98 thì tập trung vào 5 việc.
Cụ thể là hoàn thành các văn bản ở cấp trung ương và thành phố, triển khai các nghị định, nghị quyết được ban hành và chuẩn bị họp Ban Chỉ đạo trung ương trong quý II; hoàn thiện hồ sơ để trình triển khai sandbox (khung thể chế thí điểm) trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trước hết sẽ ban hành sandbox trên lĩnh vực máy bay không người lái, xe không người lái và có khả năng sẽ có thêm wifi; hoàn thiện và trình đề án kiểm soát khí thải giao thông; đề án TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng); kế hoạch triển khai các chính sách liên quan đến quy hoạch đất đai xây dựng…
Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và tư. Theo đó, đối với đầu tư công cần tăng cường trách nhiệm các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục có liên quan như thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quỹ nền nhà tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...
Các quận, huyện cần tập trung thủ tục đầu tư, các thủ tục giải phóng mặt bằng, với mục tiêu trong quý phải giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của năm 2023 và cơ bản bàn giao mặt bằng để đủ điều kiện khởi công các dự án trong quý III/2024.
Đối với các chủ đầu tư, ông Phan Văn Mãi đề nghị phải sát sao, có kế hoạch giải ngân cho từng dự án và nhanh chóng điều chuyển vốn nội bộ, đề xuất điều chuyển vốn đối với những khoản vốn không thể giải ngân được; phải xử lý các nhà thầu yếu kém, chây ì, vi phạm, nhất là các nhà thầu cam kết có vật tư cát san lấp nhưng không có và nói rằng việc này là nhiệm vụ của chủ đầu tư, UBND thành phố làm chậm trễ tiến độ...
Riêng đối với đầu tư tư nhân, do quý I chỉ mới phê duyệt 1 dự án nên các sở, ngành liên quan cần khẩn trương thẩm định để trong quý II có thể phê duyệt được 5 dự án, đồng thời tập trung chuẩn bị để đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn sẽ đến thành phố trong tháng 4 để khảo sát và tìm hiểu đầu tư.
Chủ tịch UBND TP. Phan Văn Mãi cũng đã chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp, lưu ý các dự án như: Vành đai 3, nút giao An Phú, quốc lộ 50, nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, Rạp xiếc Phú Thọ, bệnh viện đa khoa các cửa ngõ…
Mỗi tháng còn phải giải ngân 8.000 tỷ đồng Trong quý I/2024, thành phố đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng và nhiệm vụ còn lại của năm là 73.000 tỷ đồng. Như vậy mỗi quý phải giải ngân trên 24.000 tỷ đồng, mỗi tháng trên 8.000 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề mà TP. Hồ Chí Minh cần phải tập trung, có sự phối hợp đồng bộ thì mới đạt được kết quả tốt. |