Công chức Cục Hải quan Bình Định làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: T.H |
Công ty Cổ phần Năng lượng Vân Canh đề nghị được hướng dẫn cụ thể về tự chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu; áp dụng hàng nhập khẩu từ châu Âu làm sao để đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi về thuế.
Hướng dẫn cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Định cho biết, Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương, quy định: tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là hình thức thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Thông tư 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
Việc áp dụng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu được quy định cụ thể tại Chương III Chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa gồm các điều từ Điều 19 đến Điều 34, cụ thể:
Hàng hóa có xuất xứ Liên minh châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau: C/O mẫu EUR1 được phát hành theo quy định; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định Thông tư này do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Liên minh châu Âu phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR.
Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp quy định của Liên minh châu Âu và đã được thông báo với Việt Nam.
Giải đáp câu hỏi của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định về sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hay hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để khai báo thông tin trên tờ khai xuất khẩu tại chỗ, Cục Hải quan Bình Định cho rằng, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ được quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 58 điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
Theo đó, "trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại.” Như vậy, để thực hiện thủ tục hải quan phải có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.
Đồng thời, căn cứ, Điểm c khoản 3 điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, chứng từ phải nộp theo quy định là hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Trong trường hợp doanh nghiệp nộp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thay hóa đơn GTGT phải có các tiêu chí tương ứng như hóa đơn GTGT để đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp tham gia hội nghị đối thoại với Hải quan Bình Định. Ảnh: T.H |
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, Công ty TNHH Trang phục ngoài trời đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn thủ tục khi đưa một số nguyên phụ liệu ra bên ngoài để sản xuất lại một số công đoạn bán thành phẩm.
Cục Hải quan Bình Định hướng dẫn, căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2026/NĐ-CP ngày 1/9/2016 đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021, trong quá trình sản xuất, công ty muốn đưa một số nguyên phụ liệu ra bên ngoài để sản xuất lại một số công đoạn của bán thành phẩm phải thực hiện theo các quy định cụ thể như sau:
Phải thông báo về cơ sở sản xuất, gia công của người nhận sản xuất, gia công lại, hợp đồng sản xuất, gia công lại cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.
Cơ sở gia công lại phải đáp ứng yêu cầu, như: có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hoạt động sản xuất, gia công lại.
Liên quan đến nội dung miễn thuế hàng hóa nhập khẩu, Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn thời gian để báo cáo thông tin về danh mục máy móc miễn thuế đúng thời hạn quy định của Luật Hải quan.
Giải đáp cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Định cho biết, về hồ sơ, thủ tục miễn thuế được quy định tại Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc nhập khẩu lô hàng cuối cùng của mỗi tổ hợp, dây chuyền, người nộp thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan nơi thông báo Danh mục miễn thuế theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục VIIa ban hành kèm theo Nghị định này thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hoặc theo Mẫu số 16 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.”
Về thông báo, kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế, theo quy định trên, trường hơp nhập khẩu miễn thuế theo tổ hợp, dây chuyền phải nhập khẩu nhiều chuyến, không trừ lùi theo số lượng hàng hóa tại thời điểm đăng ký tờ khai.
“Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thiện việc lắp đặt tổ hợp, dây chuyền, chủ dự án có thông báo với cơ quan hải quan nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế về việc hoàn thiện lắp đặt tổ hợp, dây chuyền theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại Mẫu số 09 Phụ lục VIIa ban hành kèm theo Nghị định này thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hoặc theo Mẫu số 20 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không sử dụng hết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thiện việc lắp đặt tổ hợp, dây chuyền, chủ dự án phải đăng ký tờ khai hải quan mới và kê khai nộp thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới”.
Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Định còn ghi nhận, giải đáp một số vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp về áp dụng mức thuế GTGT, tăng dung lượng file đính kèm tờ khai hải quan...