Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định 3 đột phá chiến lược tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển KT-XH. Tiếp nối những thành công đạt được trong những năm qua, bước vào năm 2023, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo huy động nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại; xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới giai đoạn 2024-2025.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án, đảm bảo hiệu quả sau đầu tư. Phấn đấu đến 31-12-2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn giao đầu năm, tỉnh quyết liệt đôn đốc tiến độ các dự án, gắn với trách nhiệm của thành viên Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh...
Cùng với đó, tỉnh liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô, nâng cao chất lượng dân số; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng tốt về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh...
Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án động lực tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, như: Cầu Cửa Lục 3, đường nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều). Đặc biệt, dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh đã có nhiều công trình được gắn biển, như đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2). Công trình là động lực, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng biên giới đi lại thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển sản xuất, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đây cũng chính là việc cụ thể hóa chủ đề công tác năm của tỉnh về "Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân".
Cũng trong tháng 10 vừa qua, nhiều dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục hoàn thành, gắn biển, như: Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, CDC Quảng Ninh, Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) và Trường THCS-THPT Quảng La (TP Hạ Long)... Những công trình khánh thành đúng dịp Quảng Ninh tròn 60 tuổi đã tạo sự phấn khởi, niềm tin cho người dân trong tỉnh. Ông Đinh Văn Tuấn (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cho biết: Chứng kiến bao thăng trầm của tỉnh, tôi thực sự rất mừng vì quê hương phát triển nhanh chóng không chỉ ở thành thị mà cả ở vùng nông thôn, biên giới. Điều dễ nhận thấy nhất là nhiều công trình y tế, giáo dục, đường sá hoàn thành, không ai hết chính nhân dân là người được thụ hưởng nên ai cũng phấn khởi...
Năm 2022, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ 2 giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Trong đó, 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số PCI và 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng của chính quyền tỉnh.
Đến nay, toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; trên 77% hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt... Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp đạt trên 82%, gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc...
Thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP (ngày 10/1/2023) của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KT-XH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và làm việc bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện dự án Nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) gắn biển chào mừng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh; cơ bản hoàn thành dự án Nhà ở xã hội cho công nhân KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023. Đến thời điểm này, công trình Khu nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (TP Hạ Long) cũng hoàn thành thô 2 tòa nhà ở. Ngoài ra, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Làng văn hóa công nhân Vùng mỏ tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); dự án Nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà và dự án Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà).
Tỉnh cũng xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Điển hình, đã hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non tư thục giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Đề án phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, nhiều nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về nâng cao năng lực hệ thống y tế, chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong tình hình mới; chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chế độ hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long... đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Ước cả năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Quảng Ninh đạt 86,46%; dự kiến tuyển sinh, đào tạo nghề đạt 39.200 người, đạt 100% kế hoạch...
Hiện nay, tỉnh đang quyết liệt triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi số toàn diện, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, 100% CBCCVC trong cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% CBCCVC cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...