Chiều 20/1,ửaLuậttổchứcChínhphủĐềnghịgiớihạnsốlượngcấpphóket quả bóng đá hôm qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Quy định về tổ chức Chính phủ còn mờ nhạt
Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong suốt quá trình lấy ý kiến và ngay tại phiên họp là về cơ cấu tổ chức Chính phủ tại điều 2.
Chưa đồng tình với nội dung này trong dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định rõ số lượng Bộ thuộc Chính phủ trong luật. “Sau bao nhiêu năm tổng kết, đánh giá vai trò của từng Bộ, đến nay chúng ta vẫn không nêu rõ được là cần có bao nhiêu Bộ. Nhiều Bộ đã rất ổn định, như Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính… tại sao không quy định? Một số bộ khác có thể tuỳ thuộc tình hình để đề nghị Quốc hội bổ sung”, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển nói.
Cho rằng luật chưa thể hiện đầy đủ những quan điểm mới, về cơ bản không thay đổi, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu ví dụ với nội dung về bình đẳng giới, cần quy định cụ thể hơn như quy định tỷ lệ Bộ trưởng nữ trong Chính phủ…
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nội dung về tổ chức Chính phủ trong Luật còn mờ nhạt, cần phải được cụ thể hoá, luật hoá với việc ghi rõ số bộ thuộc Chính phủ, lồng ghép một số nội dung như bình đẳng giới.
Đánh giá nhiều lĩnh vực vẫn thiếu sự quản lý nhà nước thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi nên chăng có bộ phụ nữ, gia đình và trẻ em… khi chúng ta có hơn 50% dân số là phụ nữ, nhưng chưa có bộ nào phụ trách về phụ nữ và bình đẳng giới, trong khi nhiều nước có dân số ít hơn Việt Nam nhiều như Hàn Quốc, New Zealand cũng đã có bộ này.
Còn 8 cơ quan "lơ lửng trong hệ thống chính trị"
Tại phiên họp, một số thành viên UBTVQH cũng băn khoăn về vị trí của một số cơ quan thuộc Chính phủ, như Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bảo hiểm xã hội, các viện hàn lâm… Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, phải luật định vị trí rõ ràng của các cơ quan này, tránh để tình trạng “chơi vơi” như hiện nay.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ Phan Xuân Dũng, chúng ta hiện có 22 bộ và 8 cơ quan thuộc chính phủ. Không nên để các cơ quan này “lơ lửng trong hệ thống chính trị” mà nên có định hướng, gợi ý để sắp xếp sau này.
Một ví dụ nữa liên quan đến tổ chức Chính phủ được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra là về vị trí của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trên thế giới, ngân hàng trung ương là ngân hàng của các ngân hàng, còn ở Việt Nam, NHNN là thành viên Chính phủ. “Ông Thống đốc đi ký vay, nhưng Bộ Tài chính đi trả nợ. Ở các nước chỉ có Bộ Tài chính đi vay tiền cho Chính phủ. Chúng ta đã hội nhập quốc tế, lần này Luật Tổ chức Chính phủ nên có đổi mới cơ bản hơn về tổ chức hoạt động của Chính phủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Giới hạn số cấp phó trong các cơ quan
Liên quan đến số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định rõ trong luật này về số lượng cấp phó. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ như quy định cấp bộ không quá năm thứ trưởng, sau đó Chính phủ tùy tình hình để quyết định bộ chuyên sâu có thể chỉ cần 1,2 thứ trưởng, bộ đa ngành có thể đến 5 thứ trưởng. Cấp tổng cục không quá 3 phó, cấp cục không quá 2 phó. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không quá 2 phó, UBND cấp tỉnh không quá 4 phó...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu câu hỏi về nhiệm vụ quản lý biên chế. Việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của quản lý nhà nước là nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ nhưng trong nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ lại do Thủ tướng quyết định, như vậy giữa Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ phân định thế nào? Trong khi đó, Bộ Chính trị vừa qua quyết định Ban chỉ đạo về biên chế, quản lý biên chế thống nhất là thuộc Đảng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý luật chưa có quy định về quyền hạn của Thủ tướng trong chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng như biểu tình, bạo loạn… “Nếu các địa phương báo tình hình lên thì xử lý thế nào? Khi có vấn đề, ai ra lệnh Bộ trưởng Quốc phòng nổ súng? Có nhiệm vụ phải có quyền hạn, đã có quyền hạn thì phải ghi đầy đủ, ghi thiếu thì rất khó xử lý khi xảy ra vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói./.
Hoàng Yến