Tuy nhiên, phương án này hiện còn một số vướng mắc, chưa hiệu quả trong bố trí vốn.
Bố trí vốn thiếu ở nhiều hạng mục quan trọng
Bộ Tài chính vừa có văn bản tham gia ý kiến về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 gửi Văn phòng Chính phủ. Tại đây, Bộ Tài chính đã nêu một số vướng mắc và chưa hiệu quả trong bố trí vốn hiện nay như bố trí dự phòng, bố trí để trả nợ xây dựng cơ bản, chưa bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA...
Cụ thể, phương án phân bổ chi tiết về bố trí dự phòng chung, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) dự phòng mới đạt 7%/tổng nguồn vốn, chưa đảm bảo quy định dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn. Nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong nước (không bao gồm vốn TPCP) dự phòng cao hơn quy định 10%.
Cùng với đó, theo Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương chưa bố trí đủ vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản (XDCB), thu hồi vốn ứng trước. Chẳng hạn, theo Tờ trình số 29/TT-CP ngày 17/1/2017 của Chính phủ ngày 7/9/2015, tổng số vốn ứng trước đến hết năm 2016 là 79.489 tỷ đồng; số vốn ứng trước phải thu hồi tối thiểu theo Nghị quyết số 62/NQ-CP của Chính phủ và Văn bản số 246/TB-VPCP ngày 23/8/2016 của Văn phòng Chính phủ là 52.528 tỷ đồng; tuy nhiên, vẫn còn 2 bộ, ngành chưa bố trí thu hồi vốn ứng trước là 38,6 tỷ đồng, địa phương bố trí thiếu 2.135,8 tỷ đồng, 15 địa phương chưa bố trí vốn TPCP để thu hồi số ứng trước 1.846 tỷ đồng theo quy định. Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp các bộ, ngành, địa phương nhằm rà soát, đảm bảo đúng số liệu nợ đọng XDCB và đúng số liệu ứng trước để bố trí thu hồi theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay vẫn chưa bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhu cầu bố trí vốn đối ứng các dự án ODA của bộ, ngành, địa phương là 69.031 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phương án phân bổ vốn của Bộ KH&ĐT tại Văn bản số 1156/BKHĐT-TH ngày 17/2/2017 mới bố trí khoảng 30.960 tỷ đồng, còn lại 38.071 tỷ đồng chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Không những vậy, nhu cầu vốn ngân sách trung ương bố trí cho các dự án PPP trong giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Giao thông vận tải (phần vốn NSNN hỗ trợ các dự án BOT) là 2.623 tỷ đồng, tuy nhiên phương án mới bố trí 1.202 tỷ đồng, còn thiếu 1.420 tỷ đồng.
Đặc biệt, bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp vẫn còn thiếu. Theo báo cáo tại phương án phân bổ vốn thì nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2016 - 2020 của bộ, ngành và địa phương là 268.810 tỷ đồng. Song, thực tế phân bổ vốn của bộ, ngành, địa phương cho các dự án chuyển tiếp là 164.965 tỷ đồng, mới đảm bảo được 61% nhu cầu; trong đó nhiều dự án cần phải bố trí đủ vốn để hoàn thành nhưng còn thiếu vốn như các dự án quan trọng quốc gia đã có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khoảng 12.000 tỷ đồng; các dự án chống hạn, xâm ngập mặn của 25 địa phương là 2.387 tỷ đồng...
Đảm bảo bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm
Trước tình trạng đó, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để sớm triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát số liệu nhằm đảm bảo bố trí đủ vốn để thanh toán đủ nợ XDCB, thu hồi ứng; ưu tiên bố trí đối ứng cho các dự án ODA và tham gia các dự án PPP theo đúng nguyên tắc phân bổ vốn tại Nghị quyết số 26/2016/NQ-QH14 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cần rà soát điều chỉnh phương án phân bổ, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp nhằm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, đặc biệt bố trí đủ vốn các dự án trọng điểm có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các mục tiêu quan trọng. Trường hợp trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 không tiếp tục bố trí hoặc bố trí vốn không đủ cho các dự án thì yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có phương án xử lý như chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác; sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác... nhằm tránh lãng phí, thất thoát.
Đối với nguồn thu sử dụng đất của các bộ, ngành, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH&ĐT thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, phân bổ các nguồn vốn trên vào nguồn cân đối NSNN. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho địa phương chịu trách nhiệm phân bổ vốn cho các dự án đảm bảo đúng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên là: Địa phương cam kết bố trí đủ phần còn lại để đảm bảo đủ nguồn vốn cho các dự án được ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương; bố trí vốn thu hồi hết các khoản nợ XDCB các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương.
Theo Bộ Tài chính, trong phương án phân bổ, nhiều dự án cần phải bố trí đủ vốn để hoàn thành nhưng còn thiếu vốn như các dự án quan trọng quốc gia đã có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khoảng 12.000 tỷ đồng; các dự án chống hạn, xâm ngập mặn của 25 địa phương là 2.387 tỷ đồng... |
Nam Khánh