(CMO) Nằm trên địa bàn xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, chùa Cao Dân là một trong những ngôi chùa Nam tông Khmer bề thế và có bề dày lịch sử lâu đời ở Cà Mau. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay ngôi chùa đang trong quá trình xây chánh điện. Đây là công trình thể hiện tấm lòng của những người dân Khmer hướng Phật, hướng về chùa.
Đối với người Khmer, chùa là điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ông Hữu Nhơn, một người có uy tín trong cộng đồng người Khmer, Ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Nơi nào có phum sóc, nơi đó sẽ có chùa được xây cất, người Khmer với cái tâm luôn hướng về chư Phật. Cúng dường cũng là ước mong báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên, mong muốn cuộc sống sau này no đủ hơn”.
Với người Khmer, cái tâm của họ luôn hướng về chùa, trò chuyện với chúng tôi, Hoà thượng Hữu Huynh (Bạc Liêu) cho biết: “Mỗi người con trai Khmer từ nhỏ đã được vào chùa, tu ở chùa là để có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, tích thiện. Đi tu cũng là đi học, thanh niên lớn lên được học chữ Khmer trong chùa, tiếp nhận trọn vẹn văn hoá dân tộc”.
Chánh điện chùa Cao Dân đang hoàn thiện. |
Tháp Đại đức Hữu Nhem. |
Chùa của người Khmer không chỉ là điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, mà còn là nơi rèn luyện nhân cách con người. Chính vì vậy, các thế hệ người Khmer bao đời nay dù làm bất cứ việc gì, điều kiện kinh tế ra sao cũng luôn hướng về ngôi chùa nơi mình sinh sống, đóng góp công sức để giữ gìn và tôn tạo cho chùa ngày một to đẹp, uy nghi hơn.
Đã ngoài 80 tuổi, tháng nào cũng vậy, bà Kim Thị Sọl, 81 tuổi, ngụ Ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, đều trích một ít tiền lương chính sách ít ỏi của mình đóng góp xây tượng Phật đặt trong chùa Cao Dân. Nhìn tượng Phật được đặt trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề, đôi mắt bà Kim Thị Sọl như bừng sáng: “Xây tượng Phật là để tích đức cho con cháu, nhưng vui hơn nữa là tôi đã hoàn thành di nguyện của cha chúng nó. Khi còn sống ông ấy đã muốn xây tượng Phật đặt trong chùa”.
Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Hữu Qual (con trai trưởng của bà Sọl) phấn khởi chia sẻ: “Công trình này là tâm huyết của cha mẹ tôi. Tôi cũng hy vọng con cháu mai sau cố gắng gìn giữ, tu sửa để được khang trang hơn…”.
Từ những tấm lòng như thế, một công trình bề thế, trang nghiêm khác cũng đang được hoàn thành - Chánh điện chùa Cao Dân. Những nét kiến trúc cuối cùng đã dần hoàn thiện sau gần 10 năm khởi công, đó là công sức của cả cộng đồng cùng nhau quyên góp.
“Do kinh phí eo hẹp nên quyên góp được đến đâu thì làm đến đó, xây chùa thì không nhanh được, có những ngôi chùa xây dựng trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới hoàn thiện”, ông Hữu Nhơn cho biết.
Là chùa đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer nhưng điểm đặc biệt của những ngôi chùa Khmer là hướng đến tín ngưỡng chung của cả cộng đồng người Kinh và Khmer. Bà Kim Thị Sọl tự hào cho biết: “Từ lúc có chùa đến nay thì đây là nơi sinh hoạt chung của tất cả mọi người, không phân biệt người Kinh hay người Khmer. Những ngày lễ lớn diễn ra thì mọi người ở khắp nơi cùng đến đây hành lễ, tham gia các hoạt động thể thao rất vui”.
Vì là điểm đến chung của phật tử nên quá trình xây dựng, trùng tu lại chùa là công sức đóng góp của cả cộng đồng, những người có lòng hướng Phật.
Ông Hữu Nhơn chia sẻ: “Tiền quyên góp xây chánh điện không chỉ của người Khmer mà cả người Kinh trong và ngoài tỉnh. Vì là cái tâm của mọi người cùng hướng về chùa nên quá trình xây dựng cũng phải thật sự cẩn thận, mỗi hoa văn kiến trúc phải thể hiện được nét đặc trưng văn hoá truyền thống, không qua loa được”.
Cũng theo ông Hữu Nhơn, để tìm hiểu văn hoá kiến trúc, xây dựng của người Khmer thì nên đến chùa bởi mọi nét văn hoá đều thể hiện ở đây. Ngôi chùa là công trình kiến trúc duy nhất mà các nghệ nhân dân gian Khmer trưng bày cũng như lưu giữ các tác phẩm điêu khắc và sự sáng tạo mỹ thuật của mình.
Tượng Phật, chánh điện..., mỗi công trình trong chùa Cao Dân đều có dấu ấn đóng góp của người dân quanh vùng. Ông Hữu Qual tự hào: “Chùa của mình ngày càng đẹp, uy nghi hơn là đời sống của đồng bào ngày một phát triển. Khi kinh tế phát triển thì người Khmer lại có điều kiện quyên góp xây chùa, bởi tâm tưởng của họ luôn hướng về chùa”./.
Đặng Duẩn