Muốn như vậy phải tăng cường tính chiến đấu trong Đảng,ốngthamnhũngcũngnhưbẻđũlịch bóng tối nay trong từng chi bộ, đấu tranh nhau không phải dìm nhau, trù úm nhau, hạ bệ, cách chức nhau mà để nâng nhau lên mạnh mẽ hơn.
Phải bẻ những chiếc đũa lệch
Ông có nhận định gì về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua?
Vấn đề tham nhũng không mới, xã hôi nào cũng có, xã hội đương đại càng nhiều hơn. Có thể ở những thời kỳ trước, giai đoạn trước vấn đề tham nhũng đã xảy ra nhưng vì thông tin truyền thông chưa phát triển như ngày nay nên người dân ít biết đến điều đó hơn. Ngày nay sự cởi mở dân chủ, truyền thông tốt hơn nên người dân biết nhiều hơn về tham nhũng.
Mức độ tham nhũng có thể nặng nhẹ tùy từng thời điểm một, do từng thời lượng, cách đánh giá của từng người ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, tham nhũng là điều tất yếu trong xã hội, đặc biệt trong xã hội đương đại khi nền kinh tế thị trường phát triển. Cho nên không nên nghĩ đến việc xóa bỏ tham nhũng một cách triệt để.
Khi tham gia soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, chúng tôi không hề quan niệm, suy nghĩ rằng luật chống tham nhũng sẽ xóa bỏ triệt để được tham nhũng ở đất nước ta. Mà chúng tôi mong rằng, luật là một công cụ cùng với các công cụ khác của Đảng và Nhà nước ta ngăn ngừa tệ tham nhũng ở một mức có thể chấp nhận được. Để tham nhũng không cản trở sự phát triển của đất nước, không làm băng hoại đạo đức cán bộ.
Nếu ai đó cho rằng có thể xóa bỏ tham nhũng một cách triệt để, tôi cho rằng đó siêu hình, không thực tế. Và khi kêu gọi một điều không thực tế thì sẽ không bao giờ làm được việc thực tế. Cho nên hãy quay trở về thực tại, nhìn nhận vấn đề tham nhũng một cách thực tế hơn, cụ thể hơn để đưa ra những biện pháp tương thích với điều kiện hơn là làm những điều quá lớn, như các cụ nói “đừng đao to búa lớn”, “nói ít, làm nhiều”.
Chống tham nhũng cũng như bẻ bó đũa, bẻ bó đũa rất khó, nhưng rút từng chiếc đũa để bẻ thì dễ hơn nhiều. Hãy chọn những chiếc đũa nào cần bẻ, cần thay trong mâm cơm của mình để đũa khỏi vênh khỏi lệch trong mâm cơm đó, thay vì bẻ hết đũa đi mà không có đũa khác thay vào. Tôi nói như vậy không phải chúng ta e dè, hay ngăn cản, chậm chạp chống tham nhũng mà để nhìn nhận hiện tượng tham nhũng ở mức độ nào và khả năng thực tế chống ở mức độ nào.
Phòng, chống tham nhũng quan trọng ở những biện pháp cụ thể để làm người ta không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng. Không thể tham nhũng vì hệ thống pháp luật chặt chẽ, quản lý điều hành thống nhất.
Không dám tham nhũng vì hành vi tham nhũng bị xử lý nghiêm minh, không trừ một ngoại lệ nào. Không muốn tham nhũng vì những công bộc của dân được đãi ngộ đầy đủ. “Làm thế nào?” Đó cũng là những câu hỏi của người dân và của tôi. Và chính các vị lãnh đạo phải trả lời, phải chỉ ra cách làm, đấy là điều dân cần, dân tin, đấy là điều dân muốn.
Đảng phải là người con trung hiếu của nhân dân
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó hiến định một nội dung quan trọng đó là Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Ông nhận định thế nào về việc này?
Đảng của nhân dân, Đảng sinh ra vì dân. Đảng vì lợi ích của nhân dân mà hoạt động mà tổ chức. Tôi nghĩ bản thân Đảng tự làm điều mà nhân dân muốn vì Đảng là của nhân dân, là người con trung hiếu của nhân dân. Có người con nào mà lại làm không tốt cho gia đình, cho bố mẹ mình?
Theo tôi vấn đề câu chữ không quan trọng bằng hoạt động thực sự của Đảng trong xã hội ta, hiện diện của Đảng ta trong lịch sử đất nước đã khẳng định vai trò của Đảng. Và sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân được phản ánh trong từng chi bộ, trong từng đảng viên.
Nếu Ban chấp hành Trung ương Đảng mạnh nhưng các chi bộ của Đảng yếu thì không thể vận hành được tốt, không thể lãnh đạo được công cuộc Đổi mới của đất nước do nhân dân khởi xướng và Đảng tổ chức lãnh đạo. Cho nên tôi rất tâm đắc với vấn đề phát huy dân chủ cơ sở Đảng và xây dựng chi bộ Đảng vững mạnh. Đấy mới là điều quan trọng nhất. Đó mới là điều làm cho Đảng ta trở thành Đảng của nhân dân.
Đối với vấn đề chất vấn trong Đảng, theo tôi quan trọng nhất là công tác phê và tự phê trong từng chi bộ, vì đấy mới là nơi chúng ta đào luyện trưởng thành, là nơi chúng ta có thể hiểu về ta và hiểu về đồng chí của mình. Bất kỳ một Đảng viên nào, ở cấp nào cũng gắn mình với chi bộ Đảng. Các đồng chí ở Trung ương cũng phải sinh hoạt trong một chi bộ Đảng cụ thể, chính chi bộ đó cũng là nơi kiểm tra, kiểm soát đồng chí ở Trung ương.
Tính chiến đấu trong một chi bộ Đảng là sự gắn bó của những đảng viên cùng hoạt động trong một tổ chức, cùng sinh hoạt trong một phường, khóm, xã. Họ hiểu nhau, đấu tranh nhau không phải dìm nhau, trù úm nhau, hạ bệ, cách chức nhau, cũng không phải nể nang bỏ quá cho nhau mà để nâng nhau lên mạnh mẽ hơn. Chừng nào bản phê bình đó đầy đủ, rõ ràng, khúc triết, minh bạch và với tinh thần xây dựng thì chừng đó chi bộ sẽ vững mạnh.
Có một thực tế trước khi phát hiện ra vấn đề tham nhũng tại nhiều cơ quan, trước đó một số chi bộ Đảng đều được đánh giá là trong sạch vững mạnh. Đó là do đấu tranh phê bình không làm được đến nơi đến chốn, khiến nhiều chi bộ bị tê liệt. Nguyên do của sự tê liệt ở nhiều chi bộ Đảng là do danh hiệu đảng viên còn là “lá bùa” cho nhiều kẻ cơ hội lợi dụng để nắm giữ những chức vụ trong Đảng, trong chính quyền. Chính vì còn rào cản như thế nên người ta o bế nhau, người ta che đậy cho nhau.
Xin cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong