Đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo trực tuyến tổng kết Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2013 -2020”, được Sở NN&PTNT tổ chức sáng nay 24/11.
Cà Mau là một trong những vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, ngành thủy sản đóng góp trên 30% GDP của tỉnh. Với trên 278.642 ha nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm gần 30 tỷ con giống. Trong khi năng lực sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 40%, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và lân cận.
Trại sản xuất giống ở địa phương tuy nhiều (532 cơ sở sản xuất và 120 cơ sở kinh doanh), nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu, chất lượng con giống thấp mặc dù Cà Mau có lợi thế rất lớn về tôm giống bố mẹ.
Việc quản lý chất lượng tôm giống phục vụ cho người dân nuôi tôm là vấn đề đặt ra hàng đầu được cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người nuôi tôm quan tâm.
Ngành kinh tế mũi nhọn thủy sản đóng góp trên 30% GDP của tỉnh. |
Để khắc phục những hạn chế, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2013, UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020”. Qua hơn 7 năm thực hiện đề án đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra.
Chất lượng con giống ngày càng nâng lên, 60% tôm giống thả nuôi đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8398; 95% số lượng tôm giống nhập tỉnh được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng; tôm giống sản xuất trong tỉnh đáp ứng 60% nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh (tăng 20% so với năm 2012); 90% kỹ thuật viên cơ sở sản xuất tôm giống nắm vững quy trình kỹ thuật về sản xuất tôm giống (tăng 32% so với năm 2012) và 100% cán bộ trong lĩnh vực quản lý chất lượng tôm giống được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 90% cơ sở sản xuất tôm giống nằm trong quy hoạch; 70% số hộ nuôi tôm nắm vững các quy trình, kỹ thuật cơ bản trong ương, nuôi tôm 2 giai đoạn.
70% số hộ nuôi tôm nắm vững các quy trình, kỹ thuật cơ bản trong ương, nuôi tôm 2 giai đoạn. (ảnh minh hoạ: Nông dân thả giống tôm nuôi). |
Tại hội thảo, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho biết, toàn huyện có 167 cơ sở sản xuất giống, trong đó có Công ty Việt Úc sản xuất khoảng 7 tỷ post/năm. Qua hơn 7 năm thực hiện đề án, chất lượng con giống nâng lên rất cao. Điều này thể hiện rõ qua các lần tiếp xúc cử tri, bà con nông dân không còn ý kiến kiến nghị về chất lượng con giống.
Theo ông Hoàng, để nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh cần mạnh tay loại bỏ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống không đủ điều kiện, kém chất lượng.
Cho rằng lĩnh vực sản xuất tôm giống tại Cà Mau chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư, nên số lượng tôm giống có chất lượng tốt cung cấp cho người nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu, ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty Sú Chân Đỏ, kiến nghị tỉnh cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo ông Trung, tôm, cua chết trong thời gian qua do ký sinh trùng, mà ký sinh trung xuất hiện ngày càng nhiều là do yếu tố môi trường thay đổi đột ngột và ô nhiễm. Vì vậy, cần quy hoạch lại sản xuất, từ nuôi trồng và cả quy hoạch các trại sản xuất con giống tập trung, để quản lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo ngành hàng tôm phát triển mang tính bền vững lâu dài.
Chất lượng con giống ngày càng nâng lên, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Ảnh: Hoàng Vũ |
Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều đại biểu còn kiến nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn con giống tốt, sạch bệnh, thả thưa để mang lại hiệu quả nuôi trồng. Lồng ghép các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau ở các năm tiếp theo khi Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 triển khai thực hiện.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2013-2020” đã làm thay đổi nhận thức, khắc phục những hạn chế từ sản xuất đến nuôi trồng của người dân, từ đó chất lượng con giống ngày càng nâng lên, sản lượng nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu trong đề án đặt ra chưa đạt yêu cầu, đó là hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới./.
Trung Đỉnh