【kqbd twente】Các Luật mới tác động tới sản xuất, kinh doanh
Khắc phục những tồn tại hiện có
So với Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở sửa đổi 2014 có nhiều điểm mới về các nội dung như thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà; xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; thời hạn sử dụng nhà chung cư; người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam... Trong đó một số nội dung như phát triển nhà ở xã hội, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các DN kinh doanh bất động sản (BĐS).
Với Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), các nội dung mới đáng chú ý trong Luật sửa đổi chính là việc bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn giao dịch BĐS; tăng vốn pháp định của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng; chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng (TCTD) bảo lãnh bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai; DN nước ngoài được tạo điều kiện trong kinh doanh BĐS tại Việt Nam...
Những thay đổi này sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề nhà ở, thúc đẩy thị trường BĐS được phát triển tích cực, lành mạnh trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Về sự tác động của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đối với thực tiễn đời sống, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng còn quá sớm để đánh giá, nhưng có thể thấy rõ 5 yếu tố khác biệt có thể nhận diện được của hai luật này so với luật cũ. Trước hết, hai luật này đã mở rộng cơ hội, nhu cầu, đối tượng tham gia vào thị trường, trên cơ sở đó làm cho thị trường sôi động hơn. Bên cạnh đó, những tư duy mới liên quan đến vấn đề cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam tại hai luật này sẽ làm cho thị trường thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn.
Cũng theo ông Thành, những quy định chặt chẽ hơn như quy định về vốn pháp định khi thành lập DN BĐS, quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, hoạt động môi giới BĐS phải có chứng chỉ... sẽ tạo ra hành lang lang pháp lý vững chắc cho thị trường phát triển thuận lợi, đúng hướng, đúng mục tiêu, theo đúng quỹ đạo của nền kinh tế, tránh được những rủi ro tiềm ẩn. Việc chính thức quy định về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở đã thể hiện đúng định hướng phát triển nhà ở, theo đó, có những sản phẩm thuần túy thương mại, nhưng cũng có những sản phẩm phải do Nhà nước hỗ trợ.
“Tôi cho rằng các yếu tố này khắc phục căn bản những tồn tại, hạn chế của lĩnh vực nhà ở, thị trường BĐS trong những năm qua, tạo hành lang mới, môi trường, cơ hội mới, tạo thuận lợi cho cả nhà đầu tư, người môi giới và người dân”, ông Thành khẳng định.
Ông Thành cũng cho rằng ngành kinh doanh BĐS mong muốn sớm có Nghị định hướng dẫn, hiện đã đến ngày luật có hiệu lực thi hành nhưng các Nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành là chậm trễ đáng tiếc. Đáng lẽ các cơ quan ban hành cần tập trung nghiên cứu sớm hơn để cho ra đời phù hợp với các văn bản pháp luật.
Vội vã ứng phó tình trạng thiếu văn bản hướng dẫn
Luật DN, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 được cho là đã hiện thực hóa chủ trương "người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm" và tạo hành lang thông thoáng, cởi mở hơn cho DN “nội” cũng như DN FDI đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn với thủ tục "khai sinh", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với việc ban hành Luật DN 2014, thủ tục khởi sự kinh doanh đã giảm từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian thực hiện thủ tục cấp đăng ký DN đã được giảm từ 5 ngày xuống còn tối đa 3 ngày làm việc.
Luật DN 2014 cũng đã bỏ ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy Chứng nhận đăng ký DN nhằm đề cao quyền tự do kinh doanh của DN theo quy định của Hiến pháp. Song một số ý kiến băn khoăn về cách thức tiếp cận thông tin để cơ quan chức năng có cơ sở thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động của DN. Trước lo ngại này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia đã có khả năng cung cấp nguồn thông tin chi tiết, chính xác, có giá trị pháp lý gốc về DN, trong đó có thông tin về ngành, nghề kinh doanh; mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều có thể tiếp cận nguồn thông tin này một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi mà không bị giới hạn bởi thời gian.
Bên cạnh đó, điểm đáng ghi nhận đầu tiên của Luật Đầu tư 2014 là đã loại bỏ gần 120 ngành, nghề và điều kiện kinh doanh không hợp lý. Qua đó, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm từ 386 xuống còn 267 ngành, nghề. Trong số những điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề này, có tới 3.299 điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai rà soát và báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết Quốc hội cũng cho phép trong 1 năm (từ 1-7-2015 đến 1-7-2016) chuyển đổi các điều kiện kinh doanh này, nếu điều kiện nào cần thiết, hợp lý sẽ chuyển từ hình thức văn bản Thông tư, Quyết định vào Nghị định của Chính phủ, còn lại sẽ bãi bỏ.
Thế nhưng dù có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN, Luật Đầu tư hay Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn chưa được ban hành. Tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 29-6, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh sốt ruột: Trong tháng 7 có 10 Luật có hiệu lực thi hành. Thế nhưng rà lại thì chúng tôi thấy chỉ có 1 Luật đã có văn bản hướng dẫn là Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn 9 Luật vẫn phải chờ. Cho nên chúng tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành những văn bản hướng dẫn để thực thi luật.
Trước tình thế này, chỉ 1 ngày trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có văn bản “xử lý tình huống”, hướng dẫn một số thủ tục chính để thi hành Luật Đầu tư như thủ tục tiếp nhận, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Còn với Luật DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26-6-2015 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký DN, con dấu DN, tạm ngừng kinh doanh, thủ tục giải thể DN... Đơn cử, trường hợp DN đăng ký thành lập DN thì hồ sơ đăng ký thành lập DN thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23 Luật DN 2014. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DN thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật DN 2014...
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan ngày 1-7 về việc thi hành Luật DN, Luật Đầu tư 2014, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thận trọng nhận xét: Luật đã có hiệu lực, nhưng tác động đến DN như thế nào thì còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể đánh giá được. Còn hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào của các hội viên về việc thực hiện hai luật này.