Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính khi trao đổi với Báo Hải quan, người dân Việt Nam vẫn giữ nhiều kỳ vọng về tỷ giá USD tăng cao hay tình trạng “đô la hóa”. Tình trạng này càng có điều kiện phát triển hơn trong bối cảnh FED vừa tăng lãi suất USD lên 0,25% sau hơn 8 năm giữ vững lãi suất ở mức gần 0%, khiến USD mạnh hơn.
Chia sẻ bên lề hội thảo đánh giá chính sách tiền tệ 5 năm qua mới đây, chuyên gia ngân hàng- tài chính TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, trong năm 2016, FED sẽ còn tăng lãi suất USD thêm 1,25-1,5%, điều này càng làm gia tăng áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa mức lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều về 0%/năm. Hành động này của NHNN được đánh giá là giải pháp kịp thời đối với tín dụng ngoại tệ, để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống “đô la hóa” của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động- cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua- bán bằng ngoại tệ.
Nhận định từ thị trường, tại NHNN, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD trong ngày 24-12 là 21.890 VND. Tại các ngân hàng thương mại, kể từ 1 tuần trước khi FED tăng lãi suất đến nay, tỷ giá VND/USD vẫn “kiên trì” giữ vững ở mức kịch trần 22.547 VND ở chiều bán ra, chiều mua vào dao động ở mức 22.500-22-517 VND.
Mặc dù tỷ giá cả mua và bán đã ở mức cao như vậy, nhưng giao dịch bằng USD theo ghi nhận vẫn chưa như kỳ vọng việc người dân “chán” USD mà bán tháo, họ vẫn chờ đợi USD còn tiếp tục mạnh lên.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động USD về 0%/năm vẫn chưa đủ, NHNN và các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động VND để thu hút người dân chuyển sang gửi bằng VND.
Trên thực tế, trong khoảng một tuần trở lại đây, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động với mức tăng tăng khoảng 0,8-1% ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng, tăng 0,2-0,5%/năm đối với ngắn hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại còn khuyến khích cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng như Eximbank có chương trình cộng thêm lãi cho khách hàng bán vàng, chuyển từ USD sang VND và gửi tại ngân hàng với mức thưởng từ 0,1-0,3%/năm tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, FED tăng lãi suất USD sẽ mang tác động thúc đẩy quá trình tăng lãi suất của Việt Nam nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ có độ trễ từ ít nhất 6 tháng đến 1 năm, vì thế, xu hướng lãi suất trong năm sau bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cung- cầu vốn trên thị trường tiền tệ. Dự báo, lãi suất của nền kinh tế sẽ có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ quý III đến cuối năm 2016 với mức tăng kỳ vọng từ 25-50%.
Trước những biến động có thể xảy ra, mặc dù NHNN phát đi thông báo trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nhất quán với những giải pháp điều hành, kể cả các giải pháp về lãi suất, tiền gửi và các giải pháp liên quan đến cơ chế điều hành. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong năm 2016, ví dụ như tỷ giá không nên neo cứng một mức cố định như trong năm 2015 mà có sự điều chỉnh hợp lý theo diễn biến của thị trường.