Ông Shinichiro Ito - Chủ tịch ANA cho biết tập đoàn hàng không đang thương thảo với nhiều hãng khác, một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động ra toàn cầu và tìm đồng minh tại thị trường châu Á.
Ông Ito cho biết đây là yếu tố cần thiết trong bối cảnh thị trường hàng không giá rẻ tại châu Á đang bị "ngập lụt" với quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
ANA Holdings đã để mắt tới phân khúc thị trường hàng không Đông Nam Á trong nhiều năm. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đi đến được thỏa thuận cuối cùng.
Ông Ito nói rằng kế hoạch củng cố vị thế của ANA bị cản trở nhiều hơn tại châu Á so với châu Âu và Mỹ. Tác nhân là số lượng lớn các hãng vận chuyển thuộc sở hữu nhà nước một phần hoặc toàn bộ.
“Gần như không thể đạt được thỏa thuận. Vì vậy, thay vì thâu tóm toàn bộ công ty, chúng tôi sẽ nắm giữ tỷ lệ cổ phần nhỏ tại mỗi hãng, làm quen và bắt tay hợp tác. Đây cũng là kế hoạch đang được chúng tôi triển khai", ông Ito nói.
Chuyên gia phân tích Ryota Himeno của ngân hàng Barclays dự đoán các hãng hàng không châu Á có thể sáp nhập trong 5 năm tới.
“Khi những hãng hàng không giá rẻ gia tăng thị phần nhiều hơn, các hãng lớn sẽ chịu áp lực và hợp nhất là điều dễ xảy ra. ANA đang rất thận trọng với những cơ hội này”, ông nhận định.
Thị trường Việt Nam có thể là điểm đến tiếp theo của ANA, nhất là khi họ muốn giảm sự hiện diện tại Trung Quốc.
Số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tăng gấp 3 lên mức 9 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2014 so với 4 năm trước đó.
Tuy nhiên, ông Himeno cho rằng đầu tư trực tiếp vào các hãng hàng không châu Á lại chưa theo kịp tốc độ tang trưởng. Điều này đã tạo ra tiềm năng cho ANA tiến tới thỏa thuận với Vietnam Airlines để đảm bảo cho kế hoạch mở rộng của mình.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để mở rộng hoạt động của Vietnam Airlines.
Financial Times dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Vietnam Airlines đang xem xét bán 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược.