Trao quà cứu trợ của Báo Thừa Thiên Huế và Báo Hànộimới tại xã Phong Bình (Phong Điền)
Dân ta có truyền thống tương thân tương ái,đàlượt đi c1 lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Vậy nên, nghe tin lũ dữ tàn phá miền Trung là bà con khắp nơi, rồi các cơ quan, hội đoàn, tổ chức từ thiện xã hội...đã phát động quyên góp, gom hàng, gom tiền, chờ lũ rút là gửi đi cứu trợ. Có nhiều nơi còn nhiệt tình tổ chức cả đoàn về tận nơi để trực tiếp thăm hỏi, trực tiếp tặng quà, động viên người dân vùng lũ sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống...
Tiền, hàng cứu trợ về với dân, cán bộ cơ sở mừng cũng nhiều mà mệt cũng lắm. Mà mệt nhất là phân sao cho chính xác, công bằng. Huyện quán triệt về xã, xã quán triệt về thôn rà soát thiệt hại. Hộ nào thiệt hại nặng, khó khăn nhiều thì ưu tiên được đưa vào danh sách nhận cứu trợ trước; thiệt hại ít hơn thì cứ vậy lần lượt mà tới phiên. Ngỡ ổn, nhưng không phải vậy. Từng nghe anh em cán bộ cơ sở trải lòng: Ưu tiên cho bà con nặng, nhưng đoàn về cứu trợ trước đôi lúc tài lực có hạn, vậy là mỗi suất quà bà con được nhận ở đợt đầu trị giá có khi hai, ba trăm ngàn. Đoàn sau về, lẽ tất nhiên đến phiên những người chưa được nhận. Nhưng quà...bất ngờ lại lên bạc triệu/suất, địa phương cũng không can thiệp được vì đó là tâm nguyện của người cứu trợ. Vậy là sinh ra điều tiếng. Bà con nghi cán bộ thiên vị người quen. Rồi trong nội bộ bà con cũng so bì tị nạnh, có khi sinh mất đoàn kết. Rất khổ!
Giải quyết tình huống trên, như ở Phong Điền thống nhất giao đầu mối điều phối về cho cơ quan Mặt trận. Với những đoàn đi trực tiếp về cơ sở không qua kênh Mặt trận, các địa phương cũng có trách nhiệm nắm, cập nhật thông tin về. Như thế để giải quyết tiền, hàng cứu trợ đến được với đối tượng cần trợ giúp chính xác và hài hòa, hợp lý. Phong Điền cũng bàn và thống nhất quan điểm cho phép cứu trợ “chồng”. Nghĩa là những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, ưu tiên được xếp nhận cứu trợ ở các đợt đầu tiên; nếu giá trị tiền, hàng cứu trợ nhỏ, ở các đợt sau, tùy tình hình thực tế họ vẫn có thể được xét, đưa vào danh sách nhận lần 2... Không rõ chủ trương này có được chuyển tải về tận các khu dân cư chưa, tuy nhiên, theo chúng tôi nó rất nên được phổ biến công khai, minh bạch, nếu không thì cũng lại nảy sinh điều tiếng kiểu như “nhà ấy nhận rồi, răng bây chừ lại còn nhận nữa. Chắc hẳn có chi đây ...”. Rất...nhức đầu.
Tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ mặc dù từng có “điều này điều khác”, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là những trường hợp cá biệt. Sau bão lũ, đi về cơ sở, chuyện trò với anh em cán bộ cơ sở mới hiểu hết nỗi vất vả và thấy được sự công tâm của họ trong việc cố gắng làm sao để giúp đỡ, hỗ trợ dân của mình sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Dẫu vậy không có điều gì là tuyệt đối, nhất là khi hàng cứu trợ về từ nhiều nguồn, nhiều kênh và cũng nhiều “cấp độ”, đòi hỏi một sự phân chia đến mức chi li là điều không dễ. Cho nên, rất cần một cái nhìn cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng. Bão lũ, người dân khắp nơi hướng về bà con vùng thiên tai với tấm lòng sẻ chia ấm áp; chẳng lẽ tự thân bà con vùng lũ lại thiếu đi sự bao dung, cứ mãi “cân đong đo đếm” để ngọn lửa sẻ chia ấm áp kia trở nên lạnh lẽo, sao đành?...
Hàn Yên