Dịch chuyển thị trường, chủng loại
Theo Bộ NN&PTNT: Ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2016 đạt 2,15 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, chiếm 66,31% tổng giá trị XK. Các thị trường có giá trị tăng là Hoa Kỳ (8,8%), Nhật Bản (7,47%), Hàn Quốc (16,62%), Anh (10,18%) và Hà Lan (7,44%). Về mặt NK, trong 4 tháng đầu năm 2016, ước tổng giá trị NK gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 612 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2015. |
Điều đáng nói là, những năm gần đây đã có sự dịch chuyển đáng kể về chủng loại cũng như thị trường NK gỗ nguyên liệu. Về thị trường, nếu như những năm trước Lào thường giữ vị trí “quán quân” trong NK gỗ nguyên liệu thì dần dần kim ngạch NK từ thị trường này đã sụt giảm. Trong năm 2013, kim ngạch NK gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Lào đạt gần 459 triệu USD, tăng 60,86% so với năm 2012. Bước sang năm 2014, Lào tiếp tục là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất cho Việt Nam, đạt trên 600 triệu USD, tăng tới trên 31% so với năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015, NK gỗ và sản phẩm gỗ từ Lào chỉ đạt trên 360 triệu USD, giảm tới trên 40% so với năm 2014.
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, Campuchia và Lào vốn là thị trường NK gỗ và các sản phẩm từ gỗ truyền thống, nhưng NK từ 2 thị trường này trong quý I năm nay đã giảm mạnh. Cụ thể, giá trị NK từ Lào giảm 58,5% và giá trị NK từ Campuchia giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, NK gỗ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự gia tăng tạo ra sự biến động tương đối lớn trong vị trí xếp hạng của các thị trường NK gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Hoa Kỳ từ một nước xếp thứ 4 trong các thị trường NK chính nay là thị trường NK lớn nhất chiếm tới 12,5%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 12,1%. Bên cạnh đó, một số thị trường khác cũng có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Pháp (tăng 47,9%), Đức (tăng 30%).
Đánh giá chung về tình hình NK gỗ nguyên liệu của Việt Nam những năm gần đây, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng: Thời gian qua đã có sự dịch chuyển khá rõ nét trong cơ cấu thị trường cũng như chủng loại gỗ NK. Việc chuyển dịch theo hướng chuyển từ NK các loại gỗ có giá trị cao gồm các loại gỗ quý, có nguồn gốc tự nhiên sang các loại gỗ phổ biến, có nguồn gốc từ rừng trồng, có giá trị thấp hơn. Nguyên nhân của sự chuyển dịch bắt nguồn từ sự cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu gỗ quý, sự giảm nhu cầu tiêu thụ các loài gỗ này đặc biệt là sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn rừng trồng trong nước cũng đang từng bước đáp ứng được nhu cầu cho các DN, thay thế một phần nguyên liệu NK.
Theo ông Phúc, xu hướng dịch chuyển còn thể hiện rất rõ khi lượng NK các loài gỗ từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ rất cao như Hoa Kỳ và EU dần tăng lên. “Quá trình hội nhập đòi hỏi gỗ nguyên liệu NK phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ quy định về tính hợp pháp. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu NK như trên là một tín hiệu tương đối tốt, tạo nhiều cơ hội XK gỗ trong tương lai”, ông Phúc đánh giá.
Lên danh sách gỗ được nhập
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Viforest cho rằng: Mặc dù việc NK gỗ nguyên liệu đang có những đổi thay để ngày một phù hợp, đáp ứng tốt hơn các quy định của quốc tế về nguồn gốc, xuất xứ gỗ, song thực tế vẫn tồn tại không ít thách thức. Các nhà NK của Mỹ, EU, Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam phải sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp để sản xuất đồ gỗ XK. Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu NK gỗ từ 70-90 quốc gia trên thế giới, trong số đó chỉ có khoảng 30 quốc gia có nguồn gốc hợp pháp. Thực tế này sẽ dẫn tới tình trạng nguồn cung giảm. Về chủng loại gỗ cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc đều yêu cầu sử dụng các loại gỗ có xuất xứ từ rừng trồng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, EU,... Đây cũng là thách thức đáng kể đối với ngành chế biến, XK gỗ Việt Nam. Ông Quyền phân tích: Đối với gỗ trong nước, lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 20 triệu m3/năm, gỗ có đường kính lớn để sản xuất đồ mộc chỉ chiếm từ 10 -15%, chưa đáp ứng được yêu cầu XK.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề làm thế nào để có thể kiểm soát rủi ro về nguồn gốc gỗ, theo ông Tô Xuân Phúc, bước quan trọng đầu tiên mà Việt Nam nên tiến hành là chuẩn bị danh sách tất cả các loại gỗ nguyên liệu được NK. Danh sách này cần có tên của các loại gỗ, bao gồm tên địa phương, tên tiếng Anh và tên La tinh. Danh sách cũng cần có thông tin về địa bàn khai thác của từng loại gỗ. Việt Nam có thể yêu cầu sự trợ giúp của các cơ quan chức năng từ các quốc gia NK gỗ nguyên liệu nhằm cung cấp thông tin về địa bàn khai thác, tình trạng đất đai,… đối với từng loại gỗ NK. “Bên cạnh đó, thông tin trao đổi với các DN trực tiếp đang tham gia NK sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước có một bức tranh hoàn thiện hơn về gỗ nguyên liệu NK, từ đó giúp cho việc xác định các cơ chế kiểm soát gỗ NK hiệu quả trong tương lai”, ông Phúc nói.
Không chỉ riêng vấn đề nguồn gốc gỗ nguyên liệu NK, nhìn nhận tổng thể các chính sách để phát triển ngành chế biến, XK gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền đưa ra đánh giá: Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã trở thành động lực đối với trồng rừng. Do có đầu ra ổn định và việc tiêu thụ nguyên liệu ngày càng lớn nên đến nay rừng trồng của Việt Nam đã được 3,6 triệu ha. Đây là một thành tựu lớn, tuy nhiên giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ Việt Nam chưa cao. Vì vậy, Viforest đề nghị Nhà nước có chính sách tín dụng dài hạn để DN có nguồn vốn vay đầu tư thay đổi công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng trồng ở Việt Nam đến năm 2020 có trên 600.000 ha rừng được cấp các loại chứng chỉ rừng thế giới như chứng chỉ FSC, chứng chỉ PEFC.
“Về phía các DN cũng cần chủ động mở rộng các hình thức liên kết: Người trồng rừng với người trồng rừng, người trồng rừng với người chế biến gỗ, người chế biến gỗ và người chế biến gỗ. Đây là một giải pháp rất hữu hiệu để sử dụng nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài và tăng được kim ngạch XK cũng như tăng thêm giá trị gia tăng cho toàn ngành”, ông Quyền nhấn mạnh.