Yếu tố văn hóa giúp Huế thu hút khách
Sản phẩm là chưa đủ
Du lịch Huế sắp kết thúc một năm đầy biến động,ếphảilàđiểmđếntoàndiệoxbey nửa năm đầu lượng khách đến không theo kịch bản và sáu tháng cuối năm lại có sự bứt phá ngoạn mục. Dù diễn biến thế nào, làm gì để du lịch Huế phát triển ổn định luôn là chủ đề chưa hết nhận lời bình luận. Trong những giải pháp được đưa ra, đa số cho rằng Huế cần hình thành những sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm văn hóa - di sản; mở rộng phạm vi khai thác, không chỉ dừng lại ở TP. Huế và xây dựng chuỗi sản phẩm vệ tinh ở các huyện, thị xã. Trong năm 2017, một loạt sản phẩm được hình thành; trong đó, phải kể đến Đại Nội mở cửa về đêm là sự thay đổi lớn nhất trong cách làm du lịch. Gần đây hơn, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An – Võ Thị Sáu được đưa vào hoạt động, dù chỉ vài tháng, nhưng cũng đã làm Huế sinh động hơn vào ban đêm…
Gần đây, trả lời câu hỏi du lịch Huế cần làm gì trong thời gian đến để thu hút khách, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngành sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể hơn, tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu chính của Huế là miền đất của di sản văn hóa, lễ hội và cảnh quan thiên nhiên. Có ba nhóm sản phẩm chính được ngành du lịch vạch ra: du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề được liên kết thành chuỗi sản phẩm; du lịch biển, đầm phá, nghỉ dưỡng cao cấp và nhóm sản phẩm du lịch giải trí, mua sắm, hội nghị hội thảo.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng, nhưng không phải là yếu tố “đinh”, quyết định việc thu hút khách. Để đánh giá sức hấp dẫn một điểm đến, phải dựa trên hai tiêu chí: khả năng cạnh tranh và khả năng thu hút. Cụ thể hơn, để thu hút khách, mỗi điểm đến phải có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt, giao thông thuận lợi, có điểm tham quan vui chơi, các khía cạnh văn hóa… và kể cả công tác marketing cũng được liệt kê vào các yếu tố cấu thành một điểm đến lý tưởng, hay được chuyên môn hóa là “điểm đến toàn diện”. Gần đây, một nghiên cứu của Khoa Du lịch Huế dựa trên các khảo sát thực tế cho thấy đánh giá “điểm đến toàn diện” của Huế gồm 17 tiêu chí, được chia làm 5 nhóm chính, gồm: các yếu tố tự nhiên, các yếu tố xã hội, các yếu tố lịch sử, các điều kiện giải trí và mua sắm, cơ sở hạ tầng, ẩm thực và lưu trú.
Qua các khảo sát thực tiễn các điểm đến Huế, phong cảnh thiên nhiên, yếu tố văn hóa, an ninh và an toàn được du khách đánh giá nổi trội. Đây cũng là các yếu tố mà du khách cho rằng Huế có khả năng thu hút cao. Ngoài thế mạnh này, các thuộc tính như phương tiện lưu trú, hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, các lễ hội - sự kiện chưa được du khách đánh giá cao. Lý do bởi đa số những yếu tố đó Huế chưa được hoàn thiện.
Cần có điểm đến toàn diện
Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho biết, để phát triển du lịch một cách ổn định, lâu dài thì yêu cầu điểm đến phải được hoàn thiện; tạo được cảm giác thỏa mái và tiện nghi nhất từ khi khách có ý định tới Huế và khi đã rời khỏi Huế. Phải hoàn thiện từ các phương thức để Huế tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất, sau đó là hình thức vận chuyển khách đến Huế thuận lợi, cơ sở lưu trú tiện nghi, điểm tham quan thuận lợi, có khu vui chơi giải trí, mua sắm tốt khi khách cần, an ninh an toàn cho khách được đảm bảo, có sản phẩm độc đáo…
Dịch vụ vận chuyển tốt góp phần thu hút khách du lịch
Sở Du lịch nhìn nhận, điểm đến có thể nhân tạo, khi tạo ra điểm đến thì hai yếu tố cốt lõi phải hình thành theo là giao thông và con người phục vụ. Cả hai yếu tố này, theo Sở Du lịch ở Huế là chưa hoàn thiện. Nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp, chỉ có một làn xe gây nhiều khó khăn khi di chuyển.
Ông Lê Hữu Minh cho hay, với đường hàng không, tỉnh đang có chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với các hạng mục nhà ga hành khách, gồm hai cao trình, phục vụ khách đi và đến riêng biệt, đáp ứng nhu cầu 5 triệu khách/năm; 2.350 hành khách/giờ cao điểm; sân đỗ máy bay, đáp ứng năng lực phục vụ cùng lúc 9 tàu bay code C và 2 tàu bay code E kết nối đường lăn song song và đường lăn hạ cất cánh thông qua hệ thống đường lăn nối; bãi đỗ xe 1.000 xe ô tô, 1.500 xe máy. Về đường biển, đối với cảng Chân Mây, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng bến cảng số 2 và số 3 và đưa bến cảng số 1 chuyên phục vụ khách du lịch tàu biển.
Trở lại với việc phát triển sản phẩm du lịch, Sở Du lịch nhìn nhận, phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm nói riêng là một quá trình tham gia của nhiều thành phần trong xã hội; trong đó, vấn đề phát triển sản phẩm là do doanh nghiệp đầu tư xây dựng và có sự tham gia đến từ cộng đồng địa phương. Với tiềm lực của các doanh nghiệp du lịch Huế, nhất là các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là nhỏ và thiếu tiềm lực để đầu tư, doanh nghiệp chỉ tập trung theo hướng khai thác và kết nối xây dựng tour là chính, do vậy, hoạt động phát triển sản phẩm du lịch gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, Sở Du lịch liên kết với các địa phương và các doanh nghiệp du lịch tiến hành triển khai khảo sát các sản phẩm du lịch trên địa bàn các huyện … Qua đó, đã giới thiệu được nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo và có tiềm năng phát triển trong tương lai gần như sản phẩm lặn, ngắm san hô ở đảo Sơn Chà, du lịch sinh thái gắn với trang trại ở đầm Lập An, các tour du lịch tham quan bằng thuyền trên phá Tam Giang, khám phá thiên nhiên hoang sơ ở khe Lạnh, khe Hung… Tuy nhiên, với điểm du lịch khe Lạnh, khe Hung chẳng hạn, nằm trên lòng hồ thủy điện Bình Điền, phải mất một tiếng ngồi thuyền mới đến được thì liệu đã là điểm đến lý tưởng. Trong khi đó, hình thức vận chuyển duy nhất bằng thuyền cole cũng đang bị “tuýt còi” vì thiếu an toàn… Huế vẫn đang khá dàn trải, cần chọn những điểm có tính hấp dẫn và tập trung đầu tư để “ra tấm ra món”.
Cần có một chiến lược cụ thể và toàn diện và trong xu hướng cạnh tranh giữa các điểm đến đang gay gắt, Huế nên hoàn thiện điểm đến tốt nhất có thể.
Bài, ảnh: Đức Quang