Dự báo lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ chỉ vào khoảng 2-3% | |
Kiềm chế lạm phát năm 2021 ở mức 4% vẫn hoàn toàn khả thi |
Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ảnh Internet. |
Theo thông tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng nhẹ chủ yếu do biến động tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội khi việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 9/2021, những yếu tố gây áp lực tăng giá sẽ là: giá xăng dầu, giá gas trong nước dự báo vẫn sẽ chịu tác động từ giá thế giới; giá một số mặt hàng nguyên liệu tiếp tục ở mức cao như sắp thép, phân bón do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới nhưng dự báo không có biến động lớn; dịch bệnh Covid kéo dài khiến các chuỗi sản xuất, cung ứng chưa thực sự ổn định cũng khiến chi phí vận chuyển logistic tăng cao…
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá, trong đó tại Nghị quyết số 97/NQ-CP, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa và trong nội bộ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Theo ước tính của Cục Quản lý giá, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 2% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.