Tạo lập nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản |
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024, có nghĩa chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nhiều người có nhà cho thuê đang lo lắng việc thực hiện Điều 9 của Luật như thế nào. Bởi Luật chưa quy định “quy mô nhỏ” trong kinh doanh bất động sản cụ thể là mức nào (?)
Nhìn thẳng thực tế, việc quy định người kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp là cần thiết để quản lý lĩnh vực này chặt chẽ, quy củ hơn nhưng cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể thế nào là quy mô nhỏ.
Thực tế cho thấy, trong số các cá nhân có nhà cho thuê thì phần đông là những cá nhân những người kinh doanh ở quy mô nhỏ. Ngoài những trường hợp kinh doanh ở mức độ như gia đình tận dụng một số phòng ở dư thừa để cho thuê trọ hay người cho thuê một vài phòng trọ với doanh thu thấp nhằm cải thiện mức thu nhập thì ở quy mô lớn hơn một chút người cho thuê cũng không khỏi lo lắng về chi phí khi phải thành lập doanh nghiệp. Một số người kinh doanh cho rằng, với mức cho thuê một, hai căn nhà ở đô thị có doanh thu vài chục triệu đồng mỗi tháng, nếu chủ nhà phải lập doanh nghiệp sẽ là một khó khăn rất lớn cho họ bởi lập doanh nghiệp là phải có người chuyên quản lý, vận hành, đồng thời phải có trình độ về quản trị, thực hiện hồ sơ, sổ sách...
Được biết Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023, trong đó có quy định về quy mô kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp. Ngoài việc mong chờ sớm có quy định chính thức về nội dung này, người dân cũng mong muốn quy định một cách phù hợp về tiêu chí quy mô kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp. Thành lập doanh nghiệp thì dễ nhưng vận hành và để doanh nghiệp tồn tại, phát triển là điều quan trọng hơn. Do đó, nếu quy định không phù hợp thực tế, người dân sẽ khó khăn để thực thi, khi các doanh nghiệp thành lập mà không đủ sức để vận hành sẽ gây khó cho chính cơ quan quản lý và cho nền kinh tế nói chung.