Một chi nhánh của Ngân hàng Danske ở Copenhagen,m cbống đá hôm nay Đan Mạch. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên thường trú tại Brussels, quyết định của EU được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt vụ bê bối rửa tiền được phát giác tại châu Âu trong năm nay, đặc biệt là vụ việc điều tra khoản thanh toán 200 tỷ euro được thực hiện thông qua chi nhánh Estonia của ngân hàng Danske Bank, về sự sụp đổ của ngân hàng ABLV của Latvia và việc đóng cửa ngân hàng Pilatus của Malta.
Tuyên bố của EU cho hay biện pháp cải cách đã được Ủy ban EU đưa ra hồi tháng 9, sau khi có nhiều quan ngại rằng quy định chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng không phải lúc nào cũng được giám sát và thực thi hiệu quả trên toàn EU.
Theo thỏa thuận, EBA sẽ có thể trực tiếp buộc từng ngân hàng thực hiện các biện pháp chống rửa tiền "như là phương sách cuối cùng" nếu chính quyền quốc gia không hành động.
EBA cũng sẽ có quyền hạn mới để buộc các giám sát viên quốc gia điều tra những trường hợp bị nghi ngờ vi phạm quy định chống rửa tiền.
Trong trường hợp đặc biệt, khi các giám sát viên quốc gia không hành động trong thời hạn quy định, EBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm vào ngân hàng bằng cách "yêu cầu họ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ nghĩa vụ của mình.”
Tuy nhiên, quyết định về hình phạt sẽ vẫn thuộc về các quốc gia thành viên.
Hiện một số nước đã tỏ ra không mấy quan tâm đến việc áp đặt hoặc còn nghi ngại về các biện pháp trừng phạt vì sợ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, công khai các biện pháp trừng phạt là một trong những công cụ hiệu quả nhất để ngăn chặn nạn rửa tiền.
Trong khuôn khổ kế hoạch cải tổ, EBA sẽ có thêm quyền hạn và tăng nhân viên nhưng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào những luật được cho là khá “mơ hồ” đã ngăn chặn họ hành động trong quá khứ.
Dù vậy, biện pháp mới vẫn chưa thể giải quyết các kẽ hở trong việc các nước thành viên có toàn quyền trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và không tạo được một cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền ở cấp EU hoặc khu vực sử dụng đồng euro, như đề xuất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Được các nhà ngoại giao từ 28 quốc gia EU ủng hộ, văn bản còn phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn để trở thành luật.