【lịch thi đấu bóng đá phần lan】Nhớ lời Bác dạy từ khi nước nhà mới độc lập
Cách mạng Tháng Tám thành công,ớlờiBcdạytừkhinướcnhmớiđộclậlịch thi đấu bóng đá phần lan ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhưng chính quyền non trẻ đứng trước nhiều khó khăn, thử thách hết sức gay gắt. Sáng ngày 3-9-1945, tại Bắc Bộ phủ, Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ; Người nêu Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có 6 vấn đề: một là giải quyết nạn đói; hai là chống nạn dốt; ba là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử; bốn là giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính; năm là bỏ ngay các thứ thuế vô nhân đạo (thuế thân, thuế chợ, thuế đò) và cấm hút thuốc phiện; sáu là đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Giáo dục cán bộ đảng viên được Bác Hồ quan tâm ngay từ những ngày tháng đầu nước nhà độc lập. Ảnh: TƯ LIỆU |
Sáu nhiệm vụ nói trên đều quan trọng, cấp bách vào thời điểm lúc đó. Nhưng nhiệm vụ cấp bách nhất trong 6 nhiệm vụ cấp bách là giải quyết nạn đói. Bởi vì chính sách độc ác của thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã làm cho hơn hai triệu đồng bào ta chết đói; số người đang bị đói còn đến hàng vạn người. Bác nói trong phiên họp: “Chúng ta phải làm cho họ sống/Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất/Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo” (1). Bác Hồ đề xướng quyên gạo cứu đói và chính Người thực hành trước tiên. Tấm gương của Chủ tịch nước khích lệ toàn thể đồng bào cùng nhường cơm sẻ áo. Mỗi tuần, cả nước quyên góp hàng vạn tấn gạo để cấp cho người nghèo; nhờ vậy nhân dân ta vượt qua nạn đói khủng khiếp.
Xây dựng chính quyền, giáo dục cán bộ đảng viên cũng được Bác Hồ quan tâm ngay từ những ngày tháng đầu nước nhà độc lập. Người chỉ rõ chính quyền cách mạng khác hẳn về chất với bộ máy thống trị của chế độ thực dân phong kiến. Trong bài Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân - bài viết đầu tiên nói về chính quyền sau ngày tuyên bố độc lập đăng trên báo Cứu quốc ngày 11-9-1945 - Người viết: “Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra” (2). Sau đó, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Người nhấn mạnh: “Bao nhiêu những xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ” và trong chế độ mới, “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ là phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh” (3). Rồi trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nhắc lại một lần nữa: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”/ “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm/ Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh/ Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (4).
Chừng ấy trích dẫn cũng đủ nói lên quan niệm cốt lõi của Bác Hồ về Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính quyền còn non trẻ, cán bộ còn yếu kém nhiều mặt từ nhận thức đến hành động là điều tất nhiên. Nhằm củng cố chính quyền, nhất là ở cơ sở, Bác thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm cần phải sửa chữa ngay. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, đề ngày 17-9-1945, Người không dùng danh nghĩa Chủ tịch nước mà chỉ lấy danh nghĩa “một người đồng chí già” để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí ở tỉnh Nghệ An. Người chỉ ra “những khuyết điểm to nhất” ở các địa phương là: chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không đủ nghiêm, lên mặt làm quan cách mạng, lấy của công làm của riêng… làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể. Đúng một tháng sau, ngày 17-10-1945, Bác viết Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ký tên Hồ Chí Minh; trong đó Người cho rằng có nhiều người làm đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng nhân dân, song “cũng có nhiều người lầm lỗi rất nặng nề” là: Trái phép, vì tư thù tư oán mà bắt bớ, tịch thu, làm cho dân oán thán; cậy thế, ngang tàng phóng túng, coi khinh dư luận, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân; hủ hóa, ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức; tư túng, kéo bè, kéo cánh, bà con và bạn hữu của mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ, người có tài đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài; chia rẽ, bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau, quên rằng lúc này ta phải đoàn kết để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung; kiêu ngạo, tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên, làm mất lòng tin cậy của dân, hại đến uy tín của Chính phủ (5).
Người nêu một trong rất nhiều sự việc cụ thể: “Dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong tay lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều” (6).
Bác Hồ nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm nhưng cũng cho rằng chúng ta không sợ khuyết điểm mà chỉ sợ không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Cuối thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Người viết: “Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay/ Chúng ta không sợ có khuyết điểm/ Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi/ Chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư”/ Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng” (7). Cuối thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người cũng nhắc lại: “Chúng ta không sợ sai lầm nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung” (8).
Sửa chữa bằng cách nào? Theo Bác, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng “Chính phủ là công bộc của dân”; mỗi cán bộ phải đặt quyền lợi của nhân dân là tối cao, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Muốn sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả thì phải có tinh thần cầu tiến bộ, không được tự kiêu, tự mãn; thường xuyên tự giáo dục, tự rèn luyện, tự vạch ra khuyết điểm sai lầm để sửa chữa. Trong bài Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích, Người viết: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay tới đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến và vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi… Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (9).
Từ hai mươi năm trước, chuẩn bị cho thành lập Đảng và giành chính quyền, Bác Hồ đã rất chú trọng đến giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ. Tác phẩm Đường Cách mệnh (1927) có hẳn bài đầu tiên Tư cách một người cách mệnh, nêu 23 điều cán bộ cần phải có, trong đó có các điều: cần kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng tham muốn về vật chất. Đầu tháng 1-1941, khi sắp về nước, tại làng Nậm Quang (Quảng Tây), Người mở lớp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam, Người cũng căn dặn: “Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn”, “tránh việc gì làm thiệt hại đến dân”. Bác đã dự báo, chuẩn bị phòng bệnh đối với cán bộ khi Đảng cầm quyền hết sức chu đáo, chính xác. Sau tuyên bố độc lập, những yếu kém của cán bộ bộc lộ ngày càng rõ trong thực tiễn; cho nên, dù công việc bộn bề, Người cũng không quên theo dõi, giáo dục cán bộ, nhất là chỉ ra những khuyết điểm sai lầm để sửa chữa. Chỉ trong vòng 45 ngày (từ 2-9 đến 17-10-1945), ngoài việc nhắc nhở trong các cuộc họp, Người có 11 bài (1 thư riêng, 1 bài nói, 9 bài báo) đề cập đến vấn đề này. Người phê phán một cách chân tình, nghiêm khắc, toàn diện; đồng thời chỉ rõ phương hướng và cách thức sửa chữa khuyết điểm. Những lời dạy bảo của Người chứa đựng một chân lý mang tính quy luật mà ít ai nhìn thấy và chịu thực hiện: phải có tinh thần tự chỉ trích, tự vạch ra khuyết điểm để tự sửa chữa thì mới tiến bộ được; tự mãn, tự cao, kiêu ngạo, khinh người làm ngăn cản bước tiến của cán bộ; khiêm tốn, thật thà thấy những chỗ non yếu của mình, thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện thì sẽ tiến bộ không ngừng, nhân cách được hoàn thiện dần dần, hiệu quả công tác ngày càng cao. Người nào làm đúng lời dạy của Bác chắc chắn sẽ bớt khuyết điểm và thêm tiến bộ.
Trong hành trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ viết và nói rất nhiều về đạo đức cách mạng. Người là tấm gương đạo đức mẫu mực theo đúng những điều Người dạy. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải khắc sâu những lời răn dạy của Người, trong đó có những lời dạy từ khi nước nhà mới vừa độc lập, bởi lẽ đó là những lời răn dạy đầu tiên khi Đảng mới cầm quyền, chứa đựng nhiều nội dung vô cùng sâu sắc và hiện nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
TRẦN THƯ TRUNG
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 7.
(2) Sđd, tập 4, trang 14.
(3) Sđd, tập 4, trang 21-22.
(4) Sđd, tập 4, trang 64-65.
(5) Sđd, tập 4, trang 65-66
(6) Sđd, tập 4, trang 51.
(7) Sđd, tập 4, trang 20.
(8) Sđd, tập 4, trang 66.
(9) Sđd, tập 4, trang 28.