Nhập khẩu thịt lợn về cảng Cái Mép giảm mạnh | |
Đông Nam bộ: Thiếu nguồn cung, thịt lợn lại tăng giá | |
Giao Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu thịt lợn |
Người nông dân vẫn đang gặp khó khăn trong việc tái đàn lợn. Ảnh: Internet |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 được tổ chức vào tối 5/5, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề giá thịt lợn và nhập khẩu thịt lợn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá thịt lợn hiện được đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Hiện giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến nguồn cung thiếu, đại diện Bộ Công Thương cho rằng: trước hết dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Hiện chúng ta đã cơ bản dập được dịch nhưng trên toàn quốc, nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi vẫn chưa yên tâm tái đàn.
“Nhiều nông dân sợ dịch quay trở lại. Hơn nữa nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, giá con giống quá đắt, có nơi lên tới 2-3 triệu đồng/con giống”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Vì thế, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì tổng đàn lợn của năm 2019 so với 2018 giảm khoảng 21%. Nhưng theo báo cáo của một số địa phương thì tổng đàn lợn có thể giảm trên 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo ông Đỗ Thằng Hải chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn hoàn thành. Theo báo cáo của các địa phương, phải đến cuối năm nay, đàn lợn mới quay lại như trước khi có dịch tả lợn.
Nên cách thứ hai là phải tăng nhập khẩu thịt lợn. Nhưng việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn của Chính phủ.
Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT cũng các bộ, ngành phối hợp để tập trung tái đàn, tạo điều kiện tối đa và đơn giản hóa các thủ tục để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu thịt lợn.
Chia sẻ thêm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về.
Còn liên quan đến vấn đề có hay không việc doanh nghiệp có thị phần lớn chi phối thị trường thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra, không phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên các doanh nghiệp này lại có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, lên tới hơn 19% thị phần, gấp nhiều lần doanh nghiệp khác, nên vừa qua có việc giá thành chỉ 45.000 đồng/kg mà xuất ra tới 80.000 đồng/kg, sau đó hạ xuống 70.000 đồng/kg. Vì thế, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đang thực hiện thanh kiểm tra các doanh nghiệp này về việc nộp ngân sách, thuế, phí.