【kqbđ laliga】Hiệu quả từ dạy học phụ đạo
(CMO) Trong chương trình học chính khóa, thời gian trên lớp chỉ đủ để giảng dạy phần lý thuyết cho học sinh, còn phần bài tập thì hầu như giao học sinh về nhà làm. Vì vậy, giờ học phụ đạo tại trường chính là cơ hội để học sinh trao đổi kiến thức với bạn bè và thầy cô.
Tiết dạy chính khóa phải theo chương trình cơ bản, đủ, đúng quy định. Vì vậy, thời gian dành cho số tiết luyện tập rất ít. Học sinh cần học phụ đạo để nâng cao kiến thức là một nhu cầu chính đáng, đặc biệt là đối với học sinh có học lực trung bình, yếu và kém.
Một giờ học phụ đạo tại Trường THPT Phú Hưng, huyện Cái Nước. |
Học phụ đạo là cơ hội để học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài tập, ôn lại kiến thức đã học, nhất là tư duy mở rộng vấn đề. Ngoài ra, việc trao đổi thoải mái, không áp lực về thời gian giúp học sinh tự tin hơn, phát huy khả năng sáng tạo, hoạt động nhóm, đặc biệt là tạo được không khí lớp học thân thiết, gần gũi.
“Học phụ đạo được tổ chức là do nhu cầu của học sinh, nhất là các em khối 12 sắp dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Việc học phụ đạo phần nào giúp học sinh nắm vững kiến đã học, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Đồng thời, việc ôn luyện sẽ giúp học sinh phát huy tốt khả năng đối với môn học mà mình yêu thích, nhằm định hướng tốt cho các môn xét tuyển đại học, cao đẳng”, thầy Thái Văn An, Phó hiệu trưởng trường THCS–THPT Lý Văn Lâm, cho biết.
Thầy Thái Văn An thông tin, hiện trường THCS–THPT Lý Văn Lâm đã dạy phụ đạo cho học sinh khối 12 vào đầu tháng 11 để chuẩn bị cho kỳ THPT quốc gia năm 2017. Học sinh có 4 buổi/tuần và mỗi môn có 2 tiết. Nhu cầu học phụ đạo của học sinh lớn nhưng do trường thiếu phòng học nên việc dạy phụ đạo chỉ dành cho luyện thi học sinh giỏi và các em khối 12.
Cùng với việc tạo môi trường học tập thoải mái, giáo viên sẽ có điều kiện hiểu rõ hơn về học lực cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của từng học sinh. Qua đó, kịp thời có phương án giảng dạy phù hợp, điều chỉnh mức độ chương trình cho từng đối tượng học sinh; giáo viên có được điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn, sáng tạo trong từng tiết dạy.
Em Nguyễn Hoài Thương, học sinh lớp 12A, trường THCS - THPT Lý Văn Lâm, chia sẻ: “Việc học phụ đạo mang nhiều lợi ích, nhất là khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cận kề. Học phụ đạo có thời gian để em sửa được nhiều bài tập, cùng các bạn học nhóm, đặc biệt là dễ dàng trao đổi với thầy cô khi gặp bài tập khó”.
Tuy nhiên, để phát huy tốt những điểm tích cực trong việc học phụ đạo tại nhà trường, giáo viên và học sinh cần có cách tiếp nhận đúng đắn. Không gây áp lực cho học sinh mà giờ học phụ đạo phải mang tính tự nguyện.
“Nhà trường quan tâm đến ý kiến của học sinh và phụ huynh để tổ chức dạy học phụ đạo tại trường. Tuy nhiên, thầy cô và học sinh vẫn chưa phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng một không khí thân thiện trong giờ học phụ đạo, còn mang tính rập khuôn”, thầy Nguyễn Trung Thành, Phó hiệu trưởng trường THPT Phú Hưng, cho biết.
Hằng My
Toàn tỉnh Cà Mau có 27/35 trường THPT đăng ký dạy phụ đạo tại trường. Việc tổ chức dạy thêm thực hiện theo Quy định số 09/2013 – QĐ/UBND của UBND tỉnh Cà Mau ngày 16/8/2013 và Thông tư số 17/2012/TT – BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT. |