【tỷ số uzbekistan】Không gian mạng nơi “chiến đấu” của mỗi đảng viên

Báo Cà Mau(CMO) Mạng xã hội ngày nay là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Tuy nhiên, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta - nhất là đảng viên cần phải khắc phục và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để bảo vệ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ðồng thời, tuyên truyền, lan toả rộng rãi sự đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Tranh: Minh Tấn

Nhận diện rõ nguy cơ trên không gian mạng

Việt Nam có lượng người dùng Internet được đánh giá cao, những thông tin xấu độc có ảnh hưởng, tác động tiêu cực rất lớn tới xã hội. Hàng ngày, các tin, bài chống phá được các thế lực thù địch tung lên không gian mạng, gây nhiễu loạn thông tin, hướng công chúng hiểu sai lệch, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối với Ðảng, Nhà nước. Nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc thiếu những giải pháp đấu tranh cứng rắn, hữu hiệu sẽ gây nên hệ luỵ khôn lường.

Các thông tin xấu, độc trên không gian mạng với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch tấn công trực diện vào những vấn đề lý luận cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Ðảng ta đặc biệt nguy hiểm. Hiện nay, sự chống phá này không chỉ ở diện rộng bằng những bài viết dung tục, thù hận, cực đoan một chiều như trước đây, các thế lực thù địch đầu tư xây dựng và sử dụng ngày càng nhiều bài viết đa tầng thông tin, đa quan điểm, với nhiều chiêu trò đánh tráo khái niệm, ngụy tuyên truyền hết sức tinh vi, khiến công tác đấu tranh của ta càng thêm khó khăn, phức tạp.

Nội dung thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch đa dạng, phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, xây dựng Ðảng, kinh tế, văn hoá, xã hội..., trong đó tập trung tấn công vào một số nội dung cốt lõi thuộc hệ tư tưởng, đường lối của Ðảng ta, như: đòi Ðảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, chúng xuyên tạc nhằm “hạ bệ” tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phủ nhận nội dung và giá trị tư tưởng của Người; chúng chống phá, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Ðảng ta; chúng phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi xoá bỏ sở hữu toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đồng nhất với tư nhân hoá nền kinh tế, xoá bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước; cổ suý phi chính trị hoá lực lượng vũ trang, phủ nhận bản chất cách mạng và Nhân dân của lực lượng vũ trang, chia rẽ quân đội Nhân dân và công an Nhân dân; tán dương nền tự do báo chí tư sản, vai trò “quyền lực thứ tư” của báo chí, nhân danh tự do sáng tạo để tách sự lãnh đạo của Ðảng khỏi hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật; thúc đẩy hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình, từ đó cho ra đời các tổ chức đối lập chính trị ở Việt Nam; tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá...

“Làm chủ” không gian mạng để bảo vệ Ðảng

Ðại hội XIII của Ðảng đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công vào những vấn đề tư tưởng, lý luận, đồng thời sử dụng không gian mạng là một mặt trận chính để chống phá ta. Do đó công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Ðảng. Theo đó, chúng ta thực hiện một số giải pháp:

Một là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức “tính hai mặt” của không gian mạng, “nhận diện” rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc sử dụng không gian mạng để chống phá cách mạng nước ta. Từ đó, nêu cao nhận thức, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” trước các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Ba là, phát huy vai trò và sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Ðặc biệt, hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi đảng viên được tiếp cận trình độ khoa học công nghệ hiện đại, đều có thể truy cập vào các trang mạng, tự mình thiết lập, sử dụng các tài khoản, trang thông tin cá nhân (thư điện tử: Gmail, Yahoo...), Facebook, Zalo, Blog, Line, Tiktok... để viết tin, bài đấu tranh, phản bác chống quan điểm sai trái, thù địch. Ðặc biệt, phải chủ động làm chủ không gian mạng, để không gian mạng trở thành phương tiện, công cụ đắc lực phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Bốn là, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Lực lượng này là những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực tốt, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa./.

 

Ðặng Lê Ghi