【trực tiếp u19 pháp】Tính kế sao cho xuất khẩu “chạy bền”?
Quá phụ thuộc vào DN ngoại
XK của Việt Nam giai đoạn 2011-2016 tăng trưởng hơn 16%/năm, tăng gần 80 tỷ USD từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 176,6 tỷ USD vào năm 2016. Tăng trưởng XK đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế và góp phần cải thiện cán cân thương mại. Nếu so sánh với các nước trong khu vực châu Á, tăng trưởng XK của Việt Nam giai đoạn này cao hơn so với nhiều nước và cao hơn tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu (3,96%/năm), mặc dù chịu tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố như: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động tỷ giá ngoại tệ, biến đổi của thời tiết…
Một trong những định hướng chủ yếu của Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030 là tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mục tiêu này đã đạt được khi cơ cấu hàng hóa có chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 80,3% (tăng 19% so với năm 2011), tỷ trọng nhóm nông, thủy sản giảm còn 12,6% (giảm 7,8% so với năm 2011) và nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn 2% (giảm 9,6% so với năm 2011). Bên cạnh đó, quy mô các mặt hàng XK được mở rộng, số mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD tăng dần qua các năm. Đến năm 2016 đã có tới 24 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88% tổng kim ngạch XK.
Đồng tình với những điểm tích cực của XK song nhiều chuyên gia lên tiếng về việc XK tăng nhanh nhưng chưa bền vững. Sự không bền vững này được thể hiện ở nhiều điểm. Trước tiên, XK của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào khối DN FDI nhưng khối này chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được DN trong nước tham gia vào chuỗi. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận, đây là một vấn đề rất đáng phải lưu ý và rõ ràng khu vực FDI vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng.
Chưa kể, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) còn cho hay, tăng trưởng XK dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước NK, nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải NK và phụ thuộc vào một số thị trường lân cận… Trong khi đó, chất lượng hàng nông sản, thủy sản đã được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực hẩm còn hạn chế, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá cả) còn phổ biến dẫn đến bất lợi cho DN Việt Nam trong định giá XK. Phần lớn XK dưới dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Chính vì vậy, câu chuyện hàng XK của Việt Nam không có thương hiệu không có gì là khó hiểu.
Mặt khác, do năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng chưa có sự cải thiện rõ rệt nên những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, DN vẫn chưa tận dụng được tối đa lợi ích mà FTA mang lại. Các DN cũng chưa chủ động và sẵn sàng về năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều DN chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm cũng như chưa chủ động kết nối với DN trong nước và các DN FDI.
Nhiều bất lợi sẽ cộng hưởng
Đến nay, Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã đi được hơn nửa chặng đường với những cung bậc khác nhau, tín hiệu vui có nhưng cũng không thiếu dấu hiệu buồn. Liệu rằng, XK hàng hóa đến năm 2020 có thể đạt mục tiêu như đã đề ra trong chiến lược?
Trên thực tế, hết năm 2016, kim ngạch XK của Việt Nam đã đạt 176,6 tỷ USD, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010. Để đạt mục tiêu kim ngạch XK năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010 thì kim ngạch XK năm 2020 phải đạt 216,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 phải đạt khoảng 5,2%. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo XK năm 2017 có thể cán mốc 200 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm trước. Đây càng là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra nhận định, mục tiêu tăng trưởng XK giai đoạn tới sẽ đạt được và có khả năng vượt mức đề ra. Khả năng tăng trưởng XK cả giai đoạn 2011-2020 đạt 11-12% cũng có thể đạt được bởi trong giai đoạn 2011-2015, XK đã đạt mức tăng trưởng cao bình quân 17,4%.
Tuy nhiên, không vì thế mà có thể chủ quan bởi XK vẫn được dự báo còn có nhiều thách thức. Những bất ổn về kinh tế, chính trị ở nhiều nơi làm sụt giảm nhu cầu NK tiêu dùng và gia tăng xu hướng bảo hộ tại các thị trường, đặc biệt là việc các nước NK tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước để thay thế hàng NK. Giá dầu sụt giảm liên tục trong 2 năm gần đây tạo một mặt bằng giá mới thấp hơn và trong giai đoạn tới, giá dầu tiếp tục diễn biến khó lường trong khi giá hàng hóa XNK của Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ giá dầu.
Giá cả một số hàng hóa nhóm nông sản có xu hướng không tăng, thậm chí giảm từ nay cho đến năm 2020 do kinh tế thế giới từ nay đến 2020 chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh dẫn tới nhu cầu không tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu cải thiện do năng suất tăng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khiến sản lượng cung ứng tăng và ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, hoặc tăng khả năng tự túc.
Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh của hàng XK ngày càng mang tính tổng hợp, phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố sản xuất (vốn, lao động, tài nguyên, trình độ công nghệ), thị hiếu, tâm lý, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường mà còn phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô tại mỗi quốc gia. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi DN phải thay đổi về mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị, phân phối… dẫn đến phải quản lý sự thay đổi tốt hơn. Cách mạng 4.0 với việc sử dụng lao động ít hơn do vậy có khả năng sản xuất từ các nước có chi phí nhân công thấp quay trở về các nước phát triển, các nước có công nghệ nguồn.
Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục kiên trì các định hướng của Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030 trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp từ phát triển sản xuất cho đến phát triển thị trường, vấn đề thanh toán, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng XK, góp phần cải thiện cán cân thương mại, hoàn thành cao nhất có thể mục tiêu đề ra. Ngoài các biện pháp phát triển thị trường đã và đang triển khai, trong giai đoạn tới cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để vượt qua rào cản tại các thị trường NK, đẩy mạnh các biện pháp nhằm mở cửa cho một số loại hàng hóa có lợi thế của Việt Nam vào các thị trường NK có mức bảo hộ cao.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương): Việc thực hiện theo lộ trình cam kết sẽ thúc đẩy sự đổi mới, cải cách thể chế trong nước nếu muốn thích nghi và tồn tại. Nhưng mặt khác, nó cũng đặt những ràng buộc vào các công cụ chính sách nhằm thực hiện mục tiêu của nền kinh tế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng hiện đại, tạo lập và khai thác lợi thế so sánh động thông qua các chính sách… Tuy nhiên, thực hiện cam kết theo các tuyến hội nhập không làm giảm “dư địa chính sách” để Việt Nam theo đuổi các mục tiêu của mình. Các mục tiêu như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại, phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn... có thể được thực hiện ngay trong quá trình thực hiện lộ trình hội nhập, nhưng sẽ không phải bằng các biện pháp tăng thuế NK, trợ cấp, hạn chế NK hay cấm NK như trước đây nữa, mà phải bằng các công cụ chính sách tinh vi hơn, khoa học hơn và có tính liên ngành, đa ngành hơn. Theo đó, các thể chế cũng cần phải được thiết kế, xây dựng và hoàn thiện để có thể sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách thương mại. Chính sách thương mại mới cần ưu tiên hình thành một số liên minh ngành hàng chiến lược để chủ động điều tiết và thích ứng với sự biến động bất thường của giá cả thế giới. Ông Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương): Cơ cấu hàng XK của Việt Nam khá đơn điệu và chất lượng hàng còn thấp khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng XK trên thị trường thế giới, các DN cần phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, chế tạo và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, HACCP...) đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. HACCP là yêu cầu bắt buộc của các nước phát triển đối với thực phẩm chế biến trong nước và NK từ nước ngoài. Vì vậy, DN cần từng bước chuẩn hóa các quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm XK theo tiêu chuẩn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu XK. Nếu muốn trụ vững trên thị trường các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia… các DN Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường. P.T (ghi) |