Bài “Thiết thực từ những tiết thực hành” về Truờng Cao đẳng Cộng đồng đăng ở trang trường Báo Cà Mau cuối tuần kỳ trước có đề cập đến trường hợp của anh Chung Quy Bằng, sinh viên Khoá 9, ngành Công nghệ thông tin. Anh Bằng là tấm gương sáng, mày mò, cầu tiến trong học tập và trong cuộc sống. Ngoài những giờ lên lớp, anh ấy tranh thủ lắp ráp, sửa chữa máy tính thuê cho khách hàng. Nhờ vậy, từ khi đặt chân đến giảng đường đến nay, anh không xin tiền của gia đình.
Chắt chiu trái ngọt
Anh Bằng cho biết, không chỉ riêng anh mà còn một vài bạn cùng lớp cũng vận dụng kiến thức chuyên ngành để kiếm nguồn thu nhập, đỡ đần gia đình. Bằng sự ngưỡng mộ cá nhân, tôi xin các bạn ấy một cuộc hẹn để tìm hiểu rõ hơn về nhóm bạn này.
Tôi chủ động gọi điện thoại cho Bằng thì nhận được câu trả lời: “Chị ơi, em quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình”. Thoáng qua, tôi bị hụt hẫng, không phải vì đề tài của mình bị “phá sản" mà là xót xa cho một tuơng lai trẻ.
Huỳnh Văn Tú giới thiệu sản phẩm với khách hàng. |
Ngay hôm sau, tôi đến Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau tìm hiểu thêm về tâm tình của những bạn sinh viên đang tất tả đi làm thêm để trang trải việc học. Sau một thời gian chờ đợi, cô Thuỳ Dương, quản lý sinh viên trường, giới thiệu anh Huỳnh Văn Tú, sinh viên khoá 8, khoa Quản trị kinh doanh.
Quê gốc anh Tú ở tận Bình Dương, gia đình gặp nhiều khó khăn. Vì không muốn giống như anh chị “một chữ bẻ làm đôi cũng không biết” nên mới học lớp 6, anh Tú đã len lỏi vô rừng cao su để cạo mủ thuê. Với số tiền công đó, anh Tú mua sách vở và đồ dùng học tập để đến trường.
Lay lắt qua ngày, anh Tú cũng đỗ cao vào một trường đại học ở Sài Gòn. Nhưng đột ngột mẹ anh Tú qua đời nên buộc phải thôi học và về Cà Mau sống cùng với cha mẹ nuôi.
Đi làm ở Viễn Thông A Cà Mau hơn 1 năm, anh Tú bắt đầu đăng ký học ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Do ban đầu chưa sắp xếp hợp lý giữa lịch học và lịch làm nên anh Tú phải nghỉ học thường xuyên. Nhưng dần dần, anh đã bố trí được một cách khoa học.
Anh Huỳnh Văn Tú chia sẻ: “Tuỳ theo doanh thu của cửa hàng mà mỗi tháng tôi kiếm đuợc từ 5-7 triệu đồng. Số tiền đó, tôi trích một phần phụ giúp cha ở Bình Dương, một phần trang trải việc học và phụ tiền sinh hoạt hằng tháng với cha mẹ nuôi. Riêng tiền học phí, tôi nhờ vào tiền học bổng sinh viên”.
Do ý thức đuợc tầm quan trọng của việc học, anh Tú luôn nỗ lực hết mình để đạt đuợc kết quả cao. Khi được hỏi về dự định tương lai, ánh mắt anh sáng lên: “Thời gian qua, tôi luôn cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu nên đã tích góp được một số vốn nho nhỏ. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự kiến sẽ tiếp tục làm việc ở cửa hàng vài năm để đủ vốn kinh doanh nhà trọ tháng”.
Trau dồi kỹ năng sống
Để cân bằng thời gian biểu giữa học và làm là điều không hề dễ dàng. Nên cũng chẳng có gì khó hiểu khi sinh viên đi làm thêm sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi do thiếu sức khoẻ vì chế độ ngủ, nghỉ chưa cân đối. Với anh Huỳnh Văn Tú, phải lăn lộn với cuộc sống từ tấm bé để đi tìm con chữ, đôi lúc vì áp lực của công việc lẫn chuyện học hành nên thường tỏ ra cáu gắt với mọi người xung quanh.
"Nhưng sau này tôi rút ra bài học: “Mình dùng thái độ thế nào đối với cuộc sống thì cuộc sống sẽ đối đãi với mình như thế ấy”, anh Tú tâm sự.
Truớc kia, chị Đặng Hồng Hậu, sinh viên khoá 8, khoa Quản trị kinh doanh của trường, là một cô gái khá rụt rè và hay lãng tránh ánh mắt của mọi nguời. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã thúc giục Hậu tìm việc làm thêm sau những giờ lên lớp.
Chị Hậu tâm tình: "Hiện tôi đang làm việc ở cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria và phục vụ trong Sense City Cà Mau. Ban đầu, do chưa quen với công việc nên mọi thứ rất khó khăn và không ít lần tôi muốn từ bỏ. Nhưng tôi luôn tâm niệm “người khác làm được thì mình sẽ làm đuợc” và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".
Công việc bán thời gian nên chị Hậu cũng dễ dàng sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Cũng nhờ trui rèn trong gian khó nên giờ đây chị Hậu rất nhạy bén trong giao tiếp và tự tin thể hiện bản thân. Chị Hậu chia sẻ: “Sau thời gian vất vả đi tìm việc và làm thêm, tôi đã trau dồi được những kỹ năng cần thiết để tự tin hoà nhập khi tốt nghiệp. Đúng là mưu sinh ngoài xã hội khác xa với môi trường giảng đường nên tôi nghĩ sinh viên cần trải nghiệm nhiều hơn để hiểu thêm nhiều khía cạnh của cuộc sống"./.
Theo cô Nguyễn Thuỳ Dương, những dịp đầu năm, nhà trường hay vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng nhằm khuyến khích sinh viên hoàn cảnh khó khăn có học lực từ khá trở lên. "Trường hợp của Chung Quy Bằng, chúng tôi sẽ tìm hiểu và sẽ có hướng động viên, giúp đỡ bạn ấy. Vì Bằng là sinh viên rất hiếu học và cầu tiến, nếu bạn ấy thôi học thì chúng tôi rất xót xa", cô Nguyễn Thuỳ Dương cho biết. |
Ngọc Trầm