Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017),vđqg pháp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có bài viết "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân", khắc họa lại, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trần Duy Hưng thăm Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng đã bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu (Báo Hà Nội mới)
45 năm về trước, trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, một kỳ tích có một không hai, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân. Đối với Thủ đô, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Quy tụ lực lượng to lớn
Từ 5 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ngày 29/12/1967, giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đúng như lời của Người, năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B.52 nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán… Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp, quy tụ được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian, đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy.
Một trong những công việc quan trọng nhất đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và hết sức thành công là sơ tán dân. Ngày 27/4/1972, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, trong đó yêu cầu Ủy ban Hành chính, Hội đồng Phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, trong các ngày 2/12 và ngày 19/12/1972, Ban Thường vụ Thành ủy họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phù hợp với từng thời điểm, được nhân dân đồng thuận như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã sơ tán thành công gần 50 vạn dân và hàng nghìn cơ quan, xí nghiệp, trường học ra khỏi các mục tiêu đánh phá của không lực đế quốc Mỹ; vừa bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, vừa giúp các lực lượng phòng không, không quân của ta yên tâm chiến đấu.
Nắm chắc tình hình thực tiễn, sáng tạo, linh hoạt trong từng lĩnh vực, địa bàn và thời điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Thủ đô đã duy trì ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng, không bao giờ chùn bước của quân và dân trong cuộc đối đầu với kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới. Khi cầu Long Biên bị bom Mỹ đánh sập hai nhịp chính tháng 5/1972, cầu Đuống bị trúng bom hư hỏng nặng tháng 7/1972, thì các bến phà Chương Dương, Khuyến Lương, Đông Trù thay thế, bảo đảm cho xe vận tải qua sông. Cảng Hà Nội bị đánh phá dữ dội nhiều lần nhưng công nhân vẫn duy trì bốc xếp hàng hóa, chuyên chở 2.000 tấn/ngày. Ga Hà Nội bị địch thả bom đổ sập, nhưng hàng hóa vẫn xuôi về phương Nam đều đặn. Các bến phà qua sông Hồng, ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, cầu qua sông Đuống được gấp rút củng cố. Thành phố còn hoàn thành thi công, đưa vào vận hành hai tuyến đường ống chiến lược: Lạng Sơn-Hà Nội và Bãi Cháy, Quảng Ninh-Hà Nội, nối với tuyến đường ống Nam Hà Nội vào tới Cam Lộ và sang Nam Đường 9 (3.278 km) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển xăng dầu của nước bạn viện trợ, chi viện cho chiến trường…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội, triệu người như một, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc to lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn Tthành phố đã xây dựng một hệ thống 45.000 km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của Thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy được tổ chức sẵn sàng có mặt ứng cứu kịp thời. Cả Thành phố có 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ, từ trận địa, đến trung tuyến, hậu tuyến…
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động phối hợp với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh thành lân cận, xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân của 3 thứ quân với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch… Quân và dân Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) tổ chức trận địa phòng không tầm thấp nhằm phục kích, đón lõng trên các hướng máy bay địch đánh vào Hà Nội… Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội.
Đêm 18/12/1972 khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ bắt đầu đánh phá vào Hà Nội, quân và dân Thủ đô ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ.
Sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết và ý chí con người
Tiến hành cuộc tập kích đường không vào Thủ đô Hà Nội và miền Bắc 45 năm trước, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại đã được Mỹ sử dụng. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… sẽ mãi mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.
Trước sự tấn công vô cùng man rợ của kẻ thù, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng.
Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B.52, các lực lượng vũ trang với nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Giữa mưa bom, bão đạn, khói lửa ngút trời, những người con quả cảm của đất nước, của Thủ đô vẫn bền gan, vững chí bám trụ trận địa, giương “mắt thần”, “tung lưới” lửa bủa vây tiêu diệt máy bay địch, làm cho chúng kinh hồn khiếp vía.
Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B.52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó. Trong 12 ngày đêm, “vòng cung lửa” Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52; bắt sống 43 giặc lái. Trong đó, quân và dân Thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc B.52, đóng góp xuất sắc làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây được coi là tổn thất lớn chưa từng thấy khi thông thường trong chiến tranh ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%; trong trận đánh trên bầu trời Hà Nội, có sức mạnh khủng khiếp về quân sự nhưng tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B.52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc).
Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, làm chấn động thế giới. Sau này, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc”. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”…
Thất bại trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 27/1/1973 ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ làm nức lòng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc; hun đúc thêm tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cả dân tộc. Nhân dân khắp nơi hướng về “trái tim” Hà Nội với niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi đẹp của đất nước.
Rạng ngời những bài học lịch sử
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đó là bài học về sự thống nhất, đồng lòng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương: Là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu đánh phá chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần chứng minh đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tài thao lược của Quân ủy Trung ương thể hiện qua năng lực phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; là quan điểm khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa trong nước và thế giới, đánh giá đúng quan hệ giữa thời cơ và điều kiện.
Trước cũng như trong chiến dịch, Quân ủy Trung ương đã tập trung chỉ đạo sát sao các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cũng như toàn thể nhân dân miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức đúng đắn âm mưu, thủ đoạn của địch, tính chất gay go, ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử, từ đó củng cố quyết tâm chiến đấu. Trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật, quân dân cả nước, nhất là quân dân Thủ đô đã vượt khó, tìm tòi, sáng tạo, đoàn kết, chi viện lẫn nhau để đánh thắng pháo đài bay B.52 của Mỹ.
“Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong mối quan hệ máu thịt cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi. Chiến thắng của quân dân Thủ đô dưới chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ của Trung ương, sự giúp đỡ hết sức quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và đặc biệt là sự hiệp đồng chiến đấu giữa các địa phương, Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Dương không chỉ chia lửa với Hà Nội mà còn chia sẻ những khó khăn của đồng bào Thủ đô trong những ngày sơ tán. Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã thực hiện tốt vai trò vừa là áo giáp chở che, vừa là hậu phương vững mạnh cho quân dân Thủ đô chiến đấu. Đó là nguồn sức mạnh động viên quân dân Hà Nội kiên cường vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi đợt leo thang đánh phá của kẻ thù.
Bài học về xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc: Thủ đô Hà Nội - thành phố đông dân với nhiều công trình, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp quan trọng, là nơi tập trung cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội. Vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh Hà Nội có thể là một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc tập kích đường không của địch. Trong điều kiện như vậy, nếu công tác phòng không quân sự và dân sự của ta không được chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề, thương vong lớn, thiệt hại vật chất nhiều, nhân dân hoang mang. Do vậy, trong kế hoạch phòng thủ thành phố, đi đôi với kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực đánh trả tập kích đường không của địch phải có kế hoạch phòng thủ dân sự tốt.
Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang: Quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, biên chế, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, tạo bước chuyển về trình độ, khả năng tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - nghệ thuật quân sự. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao.
Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp: Chiến thắng còn được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; từ sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bất cứ lúc nào cũng cần chú trọng tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu cho toàn dân ngay từ thời bình nhằm đánh bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, nòng cốt là lực lượng vũ trang trong đó có lực lượng phòng không - không quân. Nâng cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 45 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.
Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để tạo bước đột phá. Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, Hà Nội đã đạt được những thành tích toàn diện trên các lĩnh vực; ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp với mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”. Từ điểm tựa này, chúng ta càng thêm tin tưởng các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở sẽ phấn đấu thi đua thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; 8 chương trình công tác toàn khóa; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”. Đặc biệt, chúng ta tin tưởng rằng, mỗi người Thủ đô sẽ thấm đẫm niềm tự hào mình là người Thủ đô, từ đó ra sức phát huy hơn nữa, nỗ lực không ngừng gìn giữ những giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do và hạnh phúc, giá trị của hòa bình và phát triển; cùng phấn đấu thi đua đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Từ chiến thắng kỳ vĩ trong quá khứ, đặt trọn lòng tin vào khối óc, bàn tay con người Hà Nội, con người Việt Nam, chúng ta chắc chắn rằng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta nhất định thành công, Thủ đô yêu quý của chúng ta sẽ ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại xứng đáng là “trái tim của cả nước”, được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - thắng lợi mang tính thời đại của quân và dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ năm 1972 sẽ còn sống mãi với Thủ đô yêu dấu và trong lòng mỗi chúng ta.
Theo Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội)/baochinhphu.vn