(Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý 2 năm 2017 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 29/6 tại Hà Nội,đầunămtăngsovớicngkỳbxh ngoai hang a bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng giá không đáng kể: nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Có 3 nhóm hàng giảm giá; trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 0,59%; giao thông giảm 0,71%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%
Đánh giá tổng quan thị trường và giá cả 6 tháng đầu năm 2017, Vụ trưởng Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so cùng kỳ năm trước có tốc độ tăng giảm dần từ mức 5,22% trong tháng 1 xuống mức 2,54% trong tháng 6, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,03% so với tháng trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2017 CPI tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, để giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4%, trong bối cảnh có thể điều chỉnh hết các loại giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như kế hoạch đề ra, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Tại cuộc họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy cũng chỉ ra, các nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm. Đó là giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính bước 2 (có tiền lương) tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng đó là Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,43% so với cuối năm 2016 làm cho chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 0,91% so với thời điểm cuối năm trước.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 2,07% so với cuối năm 2016 làm cho chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 0,11% so với thời điểm cuối năm trước.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1 (tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2017 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2016 khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng) nên giá một số loại dịch vụ như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 3%-8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng còn do yếu tố thị trường là giá các mặt hàng đồ uống và thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,63% và 1,12% so với cùng kỳ năm 2016. Giá gas sinh hoạt cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, 6 tháng đầu năm 2017 giá gas tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá mạnh, bình quân từ thời điểm 1/1 đến thời điểm 15/6 ở mức 52,05 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 41,1 USD/thùng của bình quân 6 tháng đầu năm 2016.
Trong nước giá xăng dầu tính đến ngày 15/6 được điều chỉnh tăng 3 lần, giảm 5 lần, tổng cộng giá xăng giảm 230 đồng/lít; dầu diezel tăng 5 lần, giảm 5 lần, tổng cộng giá dầu tăng 270 đồng/lít, làm cho giá xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 18,99% so với cùng kỳ góp phần tăng CPI chung 0,83%.
Nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, 30/4 và 1/5 nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 3,3%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 5,27%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng tăng 1,02%.
Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI như chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ (nhóm hàng có tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) làm chỉ số CPI chung giảm khoảng 0,39%, chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống.
Giá thịt lợn giảm 23,20% so cùng kỳ năm trước và giảm 21,54% so với cuối năm 2016 do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,29% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,52% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Để đạt được mục tiêu, kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 4%, Tổng cục Thống kê cho biết, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Theo đó, ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.
Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.
Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…/.
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)