Đoàn công tác của Tổng cục Thuế làm việc với Cục Thuế Lào Cai. Ảnh: NAM ANH |
Thực hiện Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, ngày 13/9/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4062/TCT-CS chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường tham mưu cho UBND các tỉnh và phối hợp chặt chẽ, khẩn trương với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn trong việc xác định tổn thất để triển khai kịp thời công tác hỗ trợ về chính sách thuế. Cùng với đó, từ ngày 2/10, Tổng cục Thuế đã thành lập các đoàn công tác đến hỗ trợ hướng dẫn cụ thể để cục thuế các địa phương có căn cứ và cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế.
Chia sẻ và hỗ trợ kịp thời người nộp thuếVới tinh thần chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời người nộp thuế sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tại địa phương bị bão lũ phải đặc biệt lưu ý công tác phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương để rà soát kịp thời và triển khai đúng quy định của pháp luật các thủ tục liên quan đến chính sách hỗ trợ, từ đó tháo gỡ khó khăn người nộp thuế. Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách |
Dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Cục Thuế Quảng Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Mạnh Thị Tuyết Mai - Trưởng đoàn công tác chia sẻ, trước những tổn thất nghiêm trọng do bão số 3, việc Tổng cục Thuế thành lập kịp thời các đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương hỗ trợ cơ quan thuế trong việc hướng dẫn triển khai các chính sách thuế kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại địa phương là hết sức cần thiết. Đoàn công tác sẽ nắm bắt đầy đủ những khó khăn vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ tại địa phương để hướng dẫn cụ thể. Trường hợp nếu vượt quá thẩm quyền hoặc liên quan đến địa phương, đoàn sẽ báo cáo kịp thời lãnh đạo Tổng cục để có phương án triển khai.
Thống kê tính đến ngày 2/10, Cục Thuế Quảng Ninh đã tiếp nhận và hỗ trợ 104 lượt người nộp thuế trực tiếp tại bộ phận một cửa tại cơ quan thuế; giải đáp 1 văn bản hỏi về chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với người nộp thuế thiệt hại vật chất do thiên tai; tiếp nhận 64.390 lượt email, trong đó 58.292 lượt email đến từ các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã; và 6.098 lượt email đã được gửi tới các hộ, cá nhân kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cục thuế.
Đại diện Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã phân công nhiệm vụ đến từng cán bộ thuế để kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có yêu cầu và đề nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại.
Dẫn đầu Đoàn công tác số 2, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Phạm Thị Minh Hiền đã làm việc với Cục Thuế Lào Cai và Cục Thuế Phú Thọ. Thông tin tình hình thiệt hại và công tác hỗ trợ người nộp thuế trên địa bàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai Vương Bích Hằng cho biết, thống kê sơ bộ đến ngày 2/10, Cục Thuế Lào Cai đã tiếp nhận 510 hồ sơ đề nghị miễn giảm, gia hạn. Qua rà soát sơ bộ, trong 12 hồ sơ của doanh nghiệp mà cục thuế đã tiếp nhận có 1 hồ sơ xin gia hạn với số tiền hơn 300 triệu đồng đã có đầy đủ hồ sơ hiện đang được cục thuế tiếp nhận giải quyết trong thời gian sớm nhất. Có 1 hồ sơ xin miễn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, số tiền hơn 200 triệu đồng hiện đang thiếu hồ sơ xác nhận của các cơ quan liên quan - đối với trường hợp này, Cục Thuế Lào Cai đã chỉ đạo công chức phụ trách trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ để sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với 10 hồ sơ còn lại, các doanh nghiệp đã có báo cáo bằng văn bản tới cơ quan thuế để nhận được sự hỗ trợ về hồ sơ khi đề nghị xem xét miễn, giảm, gia hạn theo chính sách của Chính phủ nhưng chưa lập hồ sơ bằng văn bản tới cơ quan thuế.
Đại diện Cục Thuế Lào Cai cho biết, với đặc thù là tỉnh biên giới miền núi phía Bắc tỉnh Lào Cai, ngoài cơ quan tài chính thì chưa có cơ quan giám định độc lập để xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản, mà cơ quan tài chính chỉ xem xét đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản nhà nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người nộp thuế khi lập hồ sơ đề nghị xem xét miễn, giảm, gia hạn theo chính sách của Chính phủ.
Tại Phú Thọ, đại diện Cục Thuế Phú Thọ cho biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngày 11/9, cục thuế đã kịp thời ban hành công văn chỉ đạo bám sát tình hình thiệt hại của bão số 3 và mưa lũ tại địa phương. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Thuế Phú Thọ, qua rà soát đã có 52 doanh nghiệp bị thiệt hại; thống kê sơ bộ đến ngày 18/9/2024, bão lũ đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên địa bàn ước trên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng sau thiên tai, nhiều người nộp thuế chưa thể hoàn thiện hồ sơ giấy tờ để nộp về cơ quan thuế.
Hiện Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo cán bộ, công chức thuế rà soát trên hệ thống khẩn trương hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế để sớm hoàn thiện nhanh nhất hồ sơ để được hưởng hỗ trợ. Đến nay, Cục Thuế Phú Thọ đã ban hành 1 quyết định gia hạn nợ thuế đối với doanh nghiệp số tiền trên 1 tỷ đồng.
Nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất phù hợp cho 26 địa phương bị ảnh hưởng bão số 3Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định quy định giảm tiền thuê đất năm 2024. Quy định này nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất, đó là: (i) giảm 15%; hoặc (ii) giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất. Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Theo tính toán của Bộ Tài chính dự kiến thực hiện theo phương án 1, thì số tiền thuê đất năm 2024 sẽ giảm khoảng 2.000 tỷ đồng, bằng 1/2 số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2023. Còn thực hiện theo phương án 2, thì số tiền thuê đất giảm khoảng 4.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,13% - 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1 năm và giảm từ 4,5% - 9% số thu NSNN từ tiền thuê đất 1 năm. Dự thảo tờ trình cũng dẫn lại thông tin từ báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho biết, số liệu hạch toán trên hệ thống TABMIS, tổng thu cân đối NSNN đến hết ngày 31/7/2024 đạt 1.234.280 tỷ đồng, đạt 72,65% so với dự toán năm 2024 và tăng 19,09% so với cùng kỳ năm 20223. Trong đó, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước là 24.681 tỷ đồng, bằng 91,63% so với dự toán. Với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024 nhờ các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, thì dự toán thu NSNN cả năm nay sẽ đạt và vượt. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu NSNN nói chung, trong khi lại tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, từ đó sẽ lại làm tăng thu NSNN từ thuế để bù đắp cho số thu giảm từ việc giảm tiền thuê đất. Góp ý vào tờ trình của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2 của dự thảo, tức là áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024. Riêng đối với 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cao hơn so với mức giảm chung của cả nước. Chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp tại các địa phương này có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động cho dịp tết sắp tới. |