(CMO) "Thịt heo không an toàn đang là vấn đề đáng lo ngại. Việc sử dụng thuốc, hoá chất, thức ăn có chứa chất cấm trong chăn nuôi đã để lại dư lượng hoá chất độc hại quá mức cho phép. Vì vậy, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm mà tỉnh Cà Mau đang triển khai thực hiện là giải pháp căn cơ và thiết thực để giải quyết vấn đề nêu trên", Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau Lưu Văn Quốc thông tin.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 72 chợ bán lẻ với 562 quầy thịt heo, phân bố trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Nguồn thịt chủ yếu lấy từ 22 cơ sở giết mổ tập trung và một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó, việc kiểm soát chất lượng thịt ở một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được thực hiện tốt.
Sở Công thương phối hợp với Công ty TE-FOOD khảo sát việc mua bán thịt heo tại các chợ, siêu thị. |
Đa số thịt đựng trong các giỏ xách để giao cho các quầy thịt tại các chợ nên khâu vệ sinh chưa bảo đảm. Phương tiện vận chuyển thịt chủ yếu bằng xe máy, chỉ một số ít được vận chuyển bằng xe chuyên dùng (đối với thịt heo sạch).
Một số chợ có khu kinh doanh ngành hàng thịt heo riêng biệt, có cơ sở vật chất xây dựng theo mô hình dự án LIFSAP do Sở NN&PTNT tổ chức, còn lại phần lớn các quầy bán thịt tại các điểm chợ đã xuống cấp, mặt bàn bằng gỗ, lâu ngày bị ẩm mốc không bảo đảm vệ sinh, chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 6 cửa hàng bán thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Cà Mau hỗ trợ, 6 cửa hàng do Chi cục Chăn nuôi - Thú y hỗ trợ, một số cửa hàng tiện lợi và 3 siêu thị tại TP Cà Mau. Hệ thống này cung cấp khoảng 5% sản lượng tiêu thụ của thành phố và đã thể hiện được tính vượt trội về việc đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm so với các chợ bán lẻ, mặc dù giá cả cao hơn giá mặt bằng chung của thị trường.
Qua khảo sát tại các chợ cũng như tại hội nghị trao đổi triển khai Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020”, hầu hết các tiểu thương và chủ cơ sở giết mổ đều ủng hộ thực hiện đề án.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hưng, cho biết: "Đơn vị sẽ chấp hành các chủ trương của Nhà nước, mong rằng được các cơ quan chức năng hỗ trợ để công ty trang bị các thiết bị giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)". Bà Hằng băn khoăn, khi thịt heo được truy xuất nguồn gốc thì giá cả sẽ tăng nên lo ngại người tiêu dùng không chấp nhận.
Vấn đề này được ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thì mỗi ký thịt heo phát sinh thêm khoảng 200 đồng, nên phần tăng này người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận để được sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo ATVSTP".
Cùng ý kiến trên, bà Lâm Hồng Anh, HTX Chế biến gia súc Cà Mau mong muốn được hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa để cơ sở giết mổ hoàn chỉnh hơn, đảm bảo ATVSTP.
Đối với các bếp ăn tập thể, trường mẫu giáo qua buổi khảo sát thì hầu hết các đơn vị đều ủng hộ thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Ông Đào Hà Trung cho biết: "Theo đề án, khi heo xuất chuồng, chủ trang trại sẽ đeo 2 vòng nhận diện nguồn gốc vào 2 chân heo, kích hoạt để theo dõi từ trang trại đến lò giết mổ và tiêu thụ tại chợ, siêu thị. Tại những điểm bán, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo. Những thông tin được cung cấp bao gồm: Tên trang trại, lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, quầy, sạp nhập vào…"
Để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân trên địa bàn tỉnh, hiện Sở Công thương đang phối hợp với Công ty TNHH Chế tạo máy và Dịch vụ công nghệ cao TE (Công ty TE - FOOD) bước đầu triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án, tập trung quản lý chất lượng thịt heo từ thương lái, cơ sở giết mổ tập trung, chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm và người tiêu dùng (thương lái phải khai báo, ngược lại thương lái thu gom tên trang trại, gia trại...).
Theo ông Đào Hà Trung, qua buổi khảo sát các quầy thịt heo tại chợ Phường 5, Phường 2, chất lượng thịt tốt hơn so với các chợ khác. Đối với chợ Phường 7 cần quy hoạch lại, đưa các quầy bán thịt vào cùng một chỗ. Ông Đào Hà Trung đề xuất, Sở Công thương nên ban hành quy chế phối hợp quản lý thương nhân kinh doanh heo sống. Địa bàn TP Cà Mau còn một số chợ chưa có Ban quản lý, nên chỉ đạo thành lập Ban Quản lý chợ, phòng kinh tế thành phố hướng dẫn chủ cơ sở giết mổ, tận dụng kinh phí đề án để có nơi giết mổ sạch sẽ…
Phó giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Quốc mong rằng, khi đề án triển khai sẽ nhận được sự quan tâm ủng hộ của các sở, ngành liên quan, cơ sở giết mổ gia súc và tiểu thương để thịt heo đến tay người tiêu dùng đảm bảo sạch, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng./.
Đề án thực hiện theo công nghệ blockchain được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ và tiêu thụ tại chợ đầu mối, siêu thị và chợ lẻ. Giai đoạn 2 sẽ tích hợp thêm công nghệ RFID (sử dụng chíp điện tử) gắn lên tai heo để quản lý toàn bộ thông tin vòng đời con heo từ khi sinh ra. |
Hồng Phượng