Cảm nhận trong ngày Hải quan Quốc tế 26-1 |
Chủ đề năm 2024 được Tổ chức Hải quan Thế giới lựa chọn là “Cơ quan Hải quan chủ động hợp tác với các đối tác truyền thống và các đối tác mới” với mục đích kêu gọi các cơ quan hải quan thành viên rà soát, đánh giá lại chiến lược quan hệ đối tác, bằng cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác vốn có và tìm kiếm các đối tác mới trong bối cảnh toàn cầu liên tục thay đổi, phát triển theo thời gian.
Các yếu tố biến động bao gồm cách mạng công nghệ, khủng hoảng về môi trường và các vấn đề liên quan tới y tế, sức khỏe của cộng đồng; sự chuyển dịch về địa chính trị toàn cầu… đặt ra các thách thức đối với các cơ quan hải quan trên toàn thế giới trong việc cần đưa ra các giải pháp ứng phó chủ động hơn.
Chủ đề của năm nay không chỉ là một tuyên bố mà còn là một định hướng của WCO về các biện pháp hành động cụ thể, vượt ra khỏi những phạm vi hợp tác truyền thống nhằm tìm kiếm những cơ hội mới. Việc triển khai các hoạt động này sẽ góp phần giúp cơ quan hải quan thực hiện vai trò tạo thuận lợi thương mại song song với đảm bảo an ninh biên giới trong bối cảnh biến động của thế giới.
Theo đó, WCO kêu gọi các thành viên thực hiện các hoạt động sau: Tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống: củng cố các quan hệ đối tác đã được thiết lập vì lợi ích của cả hai bên, hiểu rõ hơn các nhu cầu và kỳ vọng của mỗi bên; Thiết lập các mối quan hệ đối tác mới: tích cực tìm kiếm và thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác phi truyền thống, bao gồm các tổ chức tài chính, môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các học viện, viện nghiên cứu… nhằm tìm kiếm các giải pháp mới, các góc nhìn mới đối với các thách thức mà cơ quan hải quan phải đối mặt;
Hợp tác có chủ đích: đảm bảo rằng các mối quan hệ đối tác phù hợp với tầm nhìn và các giá trị của cơ quan hải quan và các lợi ích có được từ việc xây dựng quan hệ đối tác. Cần đánh giá lại tính hiệu quả của các mối quan hệ đối tác trong việc thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo an ninh biên giới, tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, phù hợp với các mục tiêu cốt lõi của tổ chức; Đa dạng hóa trong hoạt động đối tác: tính đến các quan điểm và tiếng nói rộng rãi, đảm bảo các chiến lược được hiện thực hóa trong hoạt động của đối tượng phục vụ của cơ quan hải quan;
Đánh giá tác động và điều chỉnh chiến lược: thường xuyên đánh giá các mối quan hệ đối tác và điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết. Cách tiếp cận năng động giúp đảm bảo quan hệ đối tác hiệu quả và luôn gắn với các mục tiêu đặt ra; Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu: tận dụng công nghệ hiện đại và phân tích dữ liệu để có thể hiểu và gắn kết với đối tác tốt hơn. Cách tiếp cận này giúp cơ quan hải quan tăng khả năng phản hồi và hợp tác hiệu quả hơn.