Theo HSBC, chỉ số PMI của Nikkei tiếp tục phản ánh tình trạng hoạt động của khu vực sản xuất đang cải thiện, nhưng tốc độ mở rộng đã điều chỉnh nhẹ từ 52,7 điểm trong tháng Năm xuống 52,6 điểm trong tháng Sáu.
Chỉ số đơn hàng mới có cùng xu hướng trên, nhưng số đơn hàng xuất khẩu mới đã vụt lên mức cao nhất trong 14 tháng qua trong khi tăng trưởng sản lượng đầu ra tăng nhanh lên mức cao nhất trong 11 tháng vừa rồi. Sản lượng đầu ra tăng dẫn đến chỉ số việc làm cũng như hoạt động mua hàng đều tăng.
Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2016, lên hơn 11 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm khoảng 70% tổng vốn FDI đăng ký.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tiếp tục tăng trong tháng Sáu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 2,3% trong tháng Năm, phần lớn nhờ nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm gia tăng.
Trong khi đó, Chính phủ cũng đã đưa ra dự báo lạm phát sẽ không đạt mốc chỉ tiêu 5,0% trong năm 2016. Chi phí một số ngành dịch vụ chính (như chăm sóc sức khỏe và giáo dục) tăng cao, tình hình thời tiết bất ổn, giá dầu thế giới tăng cao cùng với mức tăng trưởng tín dụng tăng như kỳ vọng sẽ có khuynh hướng dẫn đến nguy cơ lạm phát. Vì vậy, HSBC cho rằng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất thị trường mở đến hết nửa đầu năm 2017.
Cũng tại báo cáo này, HSBC cho rằng, quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) của người Anh vừa qua vẫn chưa mang đến những hệ quả rõ ràng. Thị trường tiền tệ sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng với đồng Bảng Anh ngay lập tức giảm giá do tâm lý thị trường.
Song, theo HSBC, các nền kinh tế tại châu Á có thể đứng vững trước những biến động thị trường do Brexit gây ra vì kinh tế châu Á không phụ thuộc nhiều vào châu Âu. Thậm chí nếu những bất ổn do Brexit gây ra có nguy cơ lan đến châu Á, chính quyền các nước trong khu vực sẽ áp dụng những chính sách phù hợp nhằm làm dịu các ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2017 cho châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, xuống 0,2 điểm phần trăm. Nguyên nhân, cái bóng Brexit có nguy cơ gây ra biến động thị trường ở hầu hết các quốc gia châu Âu.
Đồng thời, chuyên gia kinh tế HSBC tại Mỹ dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay và cũng hạ dự báo GDP cho thị trường Mỹ trong năm 2017 từ 2,2% xuống 1,9%. Điều này có thể gây tác động mạnh hơn đến kinh tế toàn cầu và đương nhiên bao gồm cả châu Á, vì một khi các thị trường phát triển suy yếu, nhu cầu nước ngoài cũng sẽ theo đó đi xuống.
Thương mại và đầu tư là hai kênh chính mà sự kiện Brexit có thể tác động đến các quốc gia châu Á, nhưng không nghiêm trọng như đợt khủng hoảng khu vực đồng Euro năm 2011, vì giao thương với Anh và EU vốn đã suy giảm trong vài năm trở lại đây./.
Hoàng Lâm