Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách,ểnvănhoacuteađọcđểxacircydựngconngườiViệtNamtoagravendiệlich bong hom nay các cán bộ đảng viên của thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có nguyện vọng thành lập Thư viện thôn Giá Thượng nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học, lan tỏa văn hóa đọc tới mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa tại làng xã.
Ông Đinh Duy Quyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa đọc đa thế hệ thôn Giá Thượng cho biết, từ khi câu lạc bộ ra đời và đi vào hoạt động, thường xuyên duy trì số lượng bạn đọc mỗi ngày, có hướng phát triển tích cực. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong xã hàng tuần đến phòng đọc và đăng ký mượn sách. Các bạn đọc lớn tuổi đến thăm và tìm hiểu, mượn sách. Hoạt động của Câu lạc bộ Văn hóa đọc đa thế hệ thôn Giá Thượng đã được các cấp chính quyền, quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở nơi đây.
Bà Đàm Thị Hằng, Thư viện trường Tiểu học Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, để phát triển văn hóa đọc, những năm gần đây nhà trường đã tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập, giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên quý giá. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đọc sách ở trường bất cứ khi nào các em cần; phát động phong trào “Đọc sách cùng con” 30 phút mỗi ngày tới toàn thể phụ huynh. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn tài liệu phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với lứa tuổi học sinh; tổ chức các cuộc thi đọc, kể chuyện theo sách, viết cảm nhận về sách… góp phần đẩy mạnh và nâng cao văn hóa đọc tại trường học.
Chia sẻ hoạt động phát triển văn hóa đọc trong Quân chủng Hải quân, Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Hải quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng cho biết, công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của bộ đội luôn được quan tâm. Hoạt động thư viện luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, là một hoạt động của công tác đảng, chính trị. Phát triển văn hóa đọc trong Quân chủng Hải quân đã góp phần tích cực vào xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp trong quân đội.
Theo Thượng tá Phạm Văn Giang, để phát triển văn hóa đọc trong Quân chủng, bên cạnh việc chủ động tham mưu, tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo chỉ huy các cấp, ủng hộ về tinh thần, vật chất ở trong và ngoài Quân chủng, đơn vị còn xây dựng các mô hình hoạt động phát triển văn hóa đọc dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện để triển khai xuống các thư viện cơ sở. Đơn vị tích cực tìm tòi và đưa ra giải pháp phù hợp với từng loại hình đơn vị, áp dụng thế mạnh công nghệ, mạng xã hội để phổ biến và tuyên truyền sách đến công chúng…
Đơn vị còn thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên thư viện về công nghệ thông tin, kỹ năng tuyên truyền giới thiệu sách; biểu dương, động viên kịp thời nhân tố tiêu biểu, nhân rộng các mô hình hay; đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện, đặc biệt đẩy nhanh phát triển thư viện điện tử, thư viện chuyển đổi số…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển văn hóa đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đưa sách đến với công chúng thông qua hội sách, giới thiệu, triển lãm sách, tặng sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe ô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác... Cùng với phương thức truyền thống, các bên liên quan cần tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người. Để văn hóa đọc phát triển bền vững, cần có sự đồng hành, chung tay của các tập thể, cá nhân để lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc rộng rãi tới cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Vụ Thư viện - cơ quan thường trực, cần phối hợp với các bên liên quan, huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; chủ động phát hiện, mở rộng, đa dạng hóa đối tượng, mô hình trong thực tiễn. Đơn vị tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, đặc biệt là thư viện công cộng, có giải pháp hỗ trợ duy trì bền vững các mô hình thư viện ở cơ sở, nhất là thư viện do người dân, cộng đồng chung tay đóng góp…
Vụ Thư viện cần tăng cường, đổi mới công tác truyền thông nhằm lan tỏa ý nghĩa và giá trị của Giải thưởng phát triển văn hóa đọc, phát hiện và tôn vinh nhiều gương điển hình của các tổ chức, cá nhân trong hành trình lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.