Đại biểu đánh giá thế nào về phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các vấn đề tài chính, ngân sách?
Tôi đánh giá, giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính rất rõ, cụ thể, chỉ rõ việc đặt mục tiêu tăng thu hàng năm theo lộ trình thế nào, cũng như lộ trình về bội chi ngân sách rất thuyết phục, cụ thể.
Theo tôi, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, chúng ta không thể một lúc tăng ngay các mức thu hay cắt giảm các mức chi, về bội chi. Quan trọng là duy trì một tỉ lệ thế nào để giữ được cân đối của kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn mức bội chi như thế nhưng không làm tỉ lệ nợ công tăng quá mức có nguy cơ vượt trần, đây là yếu tố cần thiết tạo động lực cho tăng trưởng.
Thảo luận tại hội trường vừa qua, một số đại biểu đề nghị điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Những ý kiến đại biểu đề nghị thay đổi chính sách thuế, tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thấy sự hợp lý, và tiếp thu, bản thân tôi cũng thấy hoàn toàn đúng.
Trong thay đổi chính sách thuế hiện nay, chúng ta không nên dựa vào những sắc thuế hiện có và tăng tỉ lệ thu lên, việc này sẽ tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp, người dân.
Nhưng ngược lại, có nhiều khoản khác đáng ra phải thu nhưng lại chưa thu hết, nên chưa tạo ra được bình đẳng giữa các đối tượng kinh doanh...
Vì vậy, mở rộng đối tượng thu, thay đổi chính sách thu theo hướng bao quát hết đối tượng là một hướng rất tích cực để làm sao tăng thu ngân sách.
Theo đại biểu, việc thay đổi chính sách thu nên gắn với việc mở rộng, bao quát hết đối tượng nhằm tạo sự bình đẳng. Nhưng thực tế, thời gian qua có nhiều dự thảo sửa đổi luật thuế chưa nhận được đồng thuận, vì vấn đề tăng thuế thường bị phản ứng, theo ông nên giải quyết vấn đề này thế nào khi cơ cấu thu thay đổi?
Theo tôi, những cái không đồng thuận là khi tăng thuế suất lên, ví dụ như thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu. Cái này không hợp lý vì, gây ô nhiễm môi trường không chỉ có xăng dầu mà nhiều thứ khác như túi nilon, than đá... nhưng chúng ta chưa tính kỹ. Vậy nên phải mở rộng đối tượng thu để bảo đảm tính công bằng; hoặc có lĩnh vực thu như thuế tài sản...
Vì vậy, tôi cho rằng, đại biểu và cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn là cải cách hệ thống thuế để tạo ra tính công bằng, tính điều tiết, chứ không thể cái gì thuận lợi, cái gì dễ thu thì tăng lên.
Để thực hiện nội dung cơ cấu lại ngân sách, Chính phủ đang cố gắng để sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi một số Luật thuế và Luật Quản lý thuế, trong năm 2018, trong đó có thuế Tiêu thụ đặc biệt, ông nhìn nhận thế nào về điều này?
Thuế Tiêu thụ đặc biệt nhằm để hạn chế hay điều tiết tiêu dùng với những sản phẩm thực sự chưa quá cấp thiết với xã hội, như một số mặt hàng quá cao cấp, quá xa xỉ mà nhà nước, xã hội chúng ta trong điều kiện hiện nay chưa khuyến khích tiêu dùng, nên áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt cao hơn.
Hay những mặt hàng nguy hại liên quan đến sức khỏe, ví dụ thuốc lá, rượu bia... cũng phải sử dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt cao lên để điều tiết, hạn chế tiêu dùng.
Theo tôi nếu sử dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt đúng mục đích, đúng đối tượng thì nhân dân sẽ ủng hộ.
Xin cảm ơn ông!
Sáng nay (2/11), Quốc hội hoàn thành chương trình thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, dự toán NSNN năm 2018. Nội dung giải trình của các Bộ trưởng tập trung vào 3 nội dung chính về thu, chi và bội chi ngân sách. Trong 2,5 ngày thảo luận, có 6 bộ trưởng giải trình ý kiến đại biểu, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (vào cuối buổi chiều ngày 1/11). Phần giải trình của Bộ trưởng tập trung vào 3 nội dung chính là thu, chi và bội chi ngân sách. |