Khắc phục vốn đầu tư dàn trải
Dự thảo Luật quy định, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) phải bảo đảm nguyên tắc thực hiện điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn, phục vụ quốc phòng, an ninh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đầu tư vốn nhà nước phải đúng mục tiêu, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào DN và đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, như đầu tư vào ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài việc kế thừa các quy định hiện hành, dự án Luật bổ sung nguyên tắc mới về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, đó là Nhà nước sẽ thực hiện đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược gắn với an ninh, quốc phòng.
Nhà nước sẽ ưu tiên vào các ngành then chốt, có vai trò quan trọng. Đồng thời, để tăng tính hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch của hoạt động đầu tư vốn nhà nước, Dự án Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước còn thực hiện thông qua DN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Dự thảo Luật bao gồm 6 Chương, 54 Điều, quy định việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Theo đó, Luật tập trung điều chỉnh việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bao gồm cả việc DN này sử dụng vốn, tài sản của DN để đầu tư ra ngoài DN), quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN khác thông qua người đại diện.
Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định phạm vi điều chỉnh như trên sẽ thống nhất, không chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với nguyên tắc chung về việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào DN, Dự án Luật quy định Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vốn để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của quốc gia để hình thành tài sản của DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh căn cứ phân công, phân cấp quyết định thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào DN theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tăng cường chức năng giám sát
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với DNNN, dự thảo Luật quy định nội dung giám sát, gồm việc quản lý vốn và tài sản của DN, việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN, đồng thời hoạt động giám sát này sẽ được tiến hành thường xuyên.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định cụ thể về phân cấp giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất - kinh doanh. Theo đó, Quốc hội giám sát việc thực hiện các chiến lược đầu tư phát triển dài hạn vào sản xuất - kinh doanh, giám sát việc đầu tư vốn nhà nước vào DN để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của quốc gia, giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư vào DN, thực hiện giám sát tối cao theo quy định của pháp luật...
Đại diện chủ sở hữu của DN thực hiện việc giám sát quá trình thực hiện đầu tư vốn nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của DN; giám sát cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN và giám sát việc quản lý, điều hành DN thông qua người quản lý DN và người đại diện.
Song song với đó, dự thảo Luật cũng có các quy định nhằm tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về DN. Cụ thể theo cơ quan soạn thảo, trước đây thông tin về DNNN không rõ ràng, thiếu minh bạch, khó tiếp cận. Kể từ ngày 15/8/2013, Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã yêu cầu các DN và tổ chức liên quan phải thực hiện công khai thông tin liên quan đến hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, việc công khai thông tin cũng cần thiết phải được luật hóa nhằm tăng cường giám sát của Nhà nước, của nhân dân và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty.
Do đó Dự án Luật đã quy định về báo cáo và công khai thông tin theo hướng, định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, DN phải lập các báo tài chính, báo cáo giám sát, báo cáo thống kê gửi cho các cơ quan có thẩm quyền, đăng tải trên website của DN. Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo và các đối tượng thực hiện công khai thông tin theo quy định./.
Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản hơn 2.569 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.019 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006 - năm đầu tiên hình thành mô hình DNNN. Tổng doanh thu của các DNNN năm 2012 đạt hơn 1.709 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 166,9 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN hơn 200 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2012- 2013, các DN nhà nước đã đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước và hơn 33% GDP, hơn 80% DN nhà nước có lãi, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,37%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,52 lần. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Hoàng Lâm