BP - Cô nàng 9X Hồ Hoài Thương (SN 1996),ẹchồnglagravethecircmmộtngườimẹket qua mexico primera division sinh viên Trường đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ “nổi tiếng” vì tuyên bố nguyên tắc sống “không bao giờ sống chung với mẹ chồng” trong chương trình “Quý cô hoàn hảo” phát sóng trên HTV (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) gần đây. Những chia sẻ của Hoài Thương không chỉ bị dân mạng “ném đá” không thương tiếc mà giám khảo Trịnh Tú Trung (stylist) còn có màn đáp trả khiến khán giả “hả lòng”. Anh Trung nói: “Một khi đàn ông đã thương mẹ thì họ thương rất nhiều. Em nói “Mẹ anh chính là vấn đề lớn nhất cản trở tình cảm nếu chúng ta quen nhau”, vậy thì bao nhiêu công đức sinh thành, dưỡng dục mất sạch, nghe nó cạn tàu ráo máng lắm kìa. Rồi em nói “Em mới là người vợ đồng hành cùng anh suốt cuộc đời”, vậy thì cái phần đời lúc đầu không có em thì ai đồng hành với ảnh, ai là người cho ảnh bữa cơm, giấc ngủ để giờ lớn lên yêu em. Sao bây giờ em kêu người ta phải chọn em, bỏ mẹ. Đâu có được”.
Với quan điểm của Hoài Thương: “Em mới là người vợ sau này đồng hành cùng anh suốt cả cuộc đời. Trong mắt anh chỉ có mẹ, nếu anh lấy em về thì thực sự chúng ta sẽ không hạnh phúc” thì khó tìm được sự đồng cảm nếu không muốn nói là nhận thêm phần ác cảm của mọi người dành cho cô. Một người phụ nữ chồng mất sớm phải tần tảo nuôi con một mình sẽ đau lòng thế nào nếu con trai vì vợ mà bỏ rơi, không còn quan tâm tới mình? Và đặt bản thân vào vị trí mẹ chồng bị đối xử như vậy Hoài Thương sẽ cảm thấy thế nào?
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu vốn là vấn đề nhạy cảm từ ngàn xưa đến nay. Cũng xuất phát từ tình cảm ích kỷ, muốn giành vị trí độc tôn trong lòng người đàn ông (là con trai, là chồng) về phía mình mà mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu luôn khó hóa giải. Và thường mẹ chồng lấy vị trí “bề trên” để uy hiếp, đòi hỏi nên mối quan hệ nàng dâu - mẹ chồng không tốt. Còn nếu ai cũng mở rộng tấm lòng, xem nhau như người một nhà thì quan hệ này sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt.
Suy nghĩ thiếu chín chắn của Hoài Thương có thể do bị ảnh hưởng từ lối sống thực dụng phổ biến hiện nay cùng một vài trường hợp “mẹ chồng - nàng dâu” không được tốt mà cô chứng kiến, chứ cô chưa có thực tế bản thân để suy diễn. Hoài Thương có thể sẽ thay đổi suy nghĩ nếu gặp người mẹ chồng tốt, chăm lo, yêu thương cô như con trai họ! Vì thế, hãy thông cảm cho suy nghĩ bồng bột của một cô gái mới chập chững bước vào đời.
Còn với những người đã lập gia đình, nếu may mắn gặp được mẹ chồng tốt, chắc chắn sẽ càng thêm yêu thích bài thơ “Mẹ của anh” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Lấy chồng, có con và những tháng ngày sống bên mẹ chồng, sẽ giúp những người vợ hiểu rằng, mẹ chồng cũng như mình, như triệu triệu phụ nữ Việt luôn hy sinh bản thân để con mình thêm một chút nữa niềm vui, hạnh phúc. Mẹ chẳng khác nào bên lở để cho con bên bồi nặng trĩu phù sa.
Có câu ca dao: “Thật thà cũng thể lái trâu/Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” để ám chỉ những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu. Nhưng đó là ca dao xuất hiện trong xã hội cũ và có lẽ không còn phổ biến ở thời nay. Bởi điều kiện sống đã khác, nếu không thương nhau thì nàng dâu - mẹ chồng có thể không ở chung một nhà. Vì thế, chẳng cần phải ứng xử kiểu “bằng mặt không bằng lòng”, che đậy sự gian dối như “lái trâu”. Có thể nói, mẹ chồng trong thơ Xuân Quỳnh đã chinh phục hoàn toàn trái tim con dâu bằng tất cả lối sống, suy nghĩ và việc làm chân tình của mình để nàng dâu nhận ra: “Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”. Đó cũng là lời nhắc nhở chồng rằng, đừng bao giờ nói về “mẹ chồng em” bằng từ “mẹ anh” mà chỉ cần nói “mẹ” hoặc “mẹ của chúng mình” là đủ!
Mẹ chồng tôi cũng từng chia sẻ: “Trong lòng mẹ, con cái là tất cả, thương từ bước đi đến giọng nói ngây ngô và cả trò nghịch dại phải uốn nắn, con càng lớn bao nhiêu, tình thương ấy càng lớn theo bấy nhiêu!”. Mỗi lần bên con âu yếm, nhớ tới lời mẹ chồng lại thương bà hơn. Chỉ câu nói mộc mạc đó thôi nhưng qua chính việc làm của mình dành cho con mới cảm nhận hết rằng, khó đong đếm hết tình mẹ dành cho con. Vì thế, có những lần cáu gắt với chồng thấy mặt mẹ buồn buồn không nói. Sau tĩnh tâm lại bỗng ân hận, lỡ sau này con dâu đối xử với con trai như thế chắc mình cũng đau lòng lắm! Nghĩ thế thôi là không dám quở trách chồng thêm lần nữa.
“Mẹ của anh” là bài thơ mà những cô gái trẻ như Hoài Thương nên đọc. Bởi đó thực sự là nỗi niềm mẹ chồng - nàng dâu mang tình đời, tình người sâu sắc. Vượt qua mọi giới hạn của thời gian, bài thơ mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi có dư âm vang vọng đẹp đẽ vì giá trị nhân văn cao cả. Mong rằng không chỉ mẹ mình mà với mẹ chồng, ai cũng nằm lòng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?” để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không còn bị định kiến xấu.
An Nhiên