(CMO) Trong hoạt động của cơ quan dân cử, phiên họp Thường trực HĐND được coi là phiên họp tối quan trọng. Quan trọng bởi nhiều lẽ, đó là nơi trao đổi, bàn bạc và đưa ra những quyết sách đối với các vấn đề của những người có trách nhiệm cao nhất ở mỗi cấp HĐND; Là nơi mà các chính sách, nghị quyết được hoạch định một cách cụ thể để có thể triển khai ngay vào thực tiễn đời sống; Là nơi mà các bức xúc, vấn đề nổi cộm của xã hội được đánh giá toàn diện, từ đó có những động thái về giải pháp tức thời và lâu dài. Nói như Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện thì “phiên họp Thường trực HĐND là nơi mà các vấn đề được đánh giá lại lần cuối trước khi tiến hành các giải pháp, hành động thực tế”.
Kinh nghiệm từ cơ sở
Tại huyện Cái Nước, Phó chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Thanh Giảng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao chất lượng kỳ họp Thường trực HĐND. Có thể nói, HĐND huyện Cái Nước đã vận dụng kỳ họp thường trực như cầu nối để điều chỉnh, thực thi công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Thông qua các phiên họp thường kỳ hàng tháng, Thường trực HĐND huyện sẽ nghe lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các ngành báo cáo, giải trình về việc thực hiện nghị quyết HĐND và giải quyết các vấn đề tồn đọng, bức xúc nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho người dân.
Theo ông Giảng, việc tổ chức kỳ họp Thường trực HĐND phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không thể làm theo kiểu tuỳ hứng, “bạ đâu làm đó”. Phải lựa chọn được chủ điểm, chủ đề hoặc vấn đề thực sự nổi cộm, không phải họp là họp hình thức, ngồi uống trà, tâm tình thân mật. Phiên họp phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử và phải đặt lợi ích của cử tri lên cao nhất. Theo đó, HĐND thực hiện 3 bước chuẩn bị cơ bản để tiến hành phiên họp.
Thứ nhất là công tác chuẩn bị phiên họp. Chuẩn bị là chuẩn bị về nội dung, thành phần và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để thảo luận, thậm chí là tranh luận. Thứ hai là tiến hành phiên họp. Phiên họp phải có sự chủ trì của người đứng đầu cơ quan dân cử, tiến hành họp một cách nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả, không rề rà, luộm thuộm. Kết luận phiên họp phải rõ ràng, ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm và phải có những đầu công việc, phân giao trách nhiệm hết sức cụ thể. Cuối cùng, một nội dung cực kỳ quan trọng là giám sát việc thực hiện các nội dung đã kết luận tại phiên họp. Công tác hậu kiểm phải quyết liệt, không né tránh, không ngại va chạm, lắng nghe phản hồi của dư luận từ nhiều phía.
Đối với HĐND huyện Thới Bình, phiên họp Thường trực HĐND ngày càng được tập trung nâng cao chất lượng. Phó chủ tịch HĐND huyện Thới Bình Nguyễn Việt Hoa thông tin: “Phiên họp Thường trực HĐND được địa phương xác định có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của cơ quan dân cử. Tính chất của phiên họp này có giá trị quyết định đến các giải pháp, vấn đề và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong xã hội”. Vì vậy, để nâng cao chất lượng phiên họp cần rất nhiều nỗ lực, đổi mới.
Tôm càng xanh của huyện Thới Bình được thương lái đến tận nơi thu mua và chuyển đi tiêu thụ, xuất khẩu. Ảnh: Nhật Minh |
Kinh nghiệm của HĐND Thới Bình cho thấy, cần phải xác định được vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm của các thành viên Thường trực HĐND. Tạo ra sự thống nhất giữa Thường trực HĐND với Thường trực UBND và các cơ quan, đơn vị trong việc lựa chọn nội dung, chủ đề, vấn đề cho từng kỳ họp. Cá nhân từng thành viên Thường trực HĐND phải phát huy hết năng lực, trách nhiệm. Phải có hậu kiểm, hậu giám sát các kết luận của những phiên họp Thường trực HĐND. Đổi mới phương thức phiên họp, có thể họp với hình thức mở để có sự tham gia của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Phải có đại diện lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng của cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung phiên họp. Người điều hành phải linh động, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, nhất là trong phần tranh luận. Tranh luận để xây dựng chứ không phải là triệt hạ, thắng thua hay thể hiện mình.
Nhìn thẳng vào tồn tại
Trong phiên họp giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, đại biểu Nguyễn Quốc Kỳ (Cái Nước) đã nêu lên một vấn đề khiến nhiều người quan tâm: “Liệu rằng HĐND cấp xã có tổ chức phiên họp thường trực theo đúng quy định và có chất lượng như trong báo cáo của quý vị?”. Chính Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cũng cho rằng: “Theo tôi biết, không phải nơi nào cũng tổ chức phiên họp định kỳ và có chất lượng. Nhất là ở cấp xã, nội dung và vấn đề của phiên họp còn mờ nhạt, chưa trọng tâm, trọng điểm. Nếu tốt như các báo cáo chuẩn bị trên nghị trường, thì tôi tin chuyện khiếu nại, kiện cáo, bức xúc trong xã hội sẽ giảm đi thấy rõ”.
Phó chủ tịch HĐND xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi Nguyễn Vĩnh Nghi cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại đối với các phiên họp thường trực HĐND cấp xã. Đó là luật chưa quy định cụ thể các bước tiến hành phiên họp, vận dụng mỗi nơi mỗi kiểu khiến cấp xã lúng túng trong việc tổ chức. Để sắp xếp đủ thành phần phiên họp cũng là điều nan giải. Đó là chưa kể những thành phần phải có mặt nhưng cáo bận hoặc cử người không đủ thẩm quyền phát ngôn tham dự. Một số thành viên Thường trực HĐND thiếu kinh nghiệm, chưa kịp thời nắm bắt hết các vấn đề nổi cộm của địa phương, tâm tư nguyện vọng của cử tri. Công tác hậu kiểm kết luận của các phiên họp còn khó khăn, chưa như kỳ vọng.
Mô hình làm cá khô ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. |
Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải, việc kết luận các phiên họp thường trực HĐND sở dĩ chậm triển khai, có nội dung bị lờ đi, trôi đi... thể hiện sự thiếu quyết liệt, thiếu khoa học trong hoạt động của cơ quan dân cử. Nên chăng, đối với các vấn đề hệ trọng, sau mỗi phiên họp cần ban hành nghị quyết, căn cứ vào đây thì công tác hậu kiểm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Không thể để tình trạng kết luận thì kết luận nhưng không có chuyển biến, thay đổi trên thực tế. Với cấp xã, nội dung cho phiên họp không phải là ít, ít hay nhiều là do cách tiếp cận, do chính cái tâm của người làm đại biểu của dân.
Phó chủ tịch HĐND huyện U Minh Nguyễn Hoàng Rắt cũng chia sẻ những khó khăn khi tổ chức các phiên họp Thường trực HĐND. Một trong những vấn đề ông Rắt quan tâm là các giải trình của cơ quan, đơn vị tham dự phiên họp. Việc giải trình này đôi khi hình thức, đối phó, không dám nhìn thẳng, nhìn trúng bản chất sự việc, thậm chí là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Theo ông Rắt, phiên họp Thường trực HĐND nên từng bước đưa nội dung giải trình và chất vấn trở thành nội dung trọng tâm để nâng cao chất lượng mỗi kỳ họp. Người giải trình trước tiên phải báo cáo đầy đủ, có nguyên nhân, quá trình, giải pháp và cả trách nhiệm của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Nếu có thái độ né tránh, hình thức thì HĐND cũng cần có cơ chế để tác động với UBND cùng cấp, truy kiểm trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị một cách rốt ráo.
Nói về phiên họp Thường trực HĐND là nói về phiên họp có ý nghĩa quyết định đối với các vấn đề hệ trọng, bức xúc của địa phương. Phiên họp này nếu được nâng cao chất lượng, thì hiểu nôm na như lời Chủ tịch HĐND Trần Văn Hiện là “dân được nhờ, dân thấy được lá phiếu mình bầu cho đại biểu là không vô ích”. Từ những phiên họp chất lượng, những vấn đề tồn đọng, bức xúc sẽ được tháo gỡ, giải quyết. Cử tri thêm củng cố lòng tin với cơ quan dân cử, người dân có nơi để hy vọng và gởi gắm tâm tư, nguyện vọng./.
Phạm Quốc Rin