"Hiến kế" tái kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu |
Chiều 24/4, Hội nghị lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu bước vào phiên thứ 2 với nội dung "Tái kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu".
Tái cấu trúc hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) toàn cầu là một trong bốn nội dung đưa ra nhằm đạt được mục tiêu xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống LTTP.
Bốn đề xuất, giải pháp được đưa ra tại hội nghị lần này, gồm: Mô hình kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; các chính sách quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.
Chia sẻ các giải pháp để tái kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu tại phiên họp, Đại sứ Gabriel Ferrero - Chủ tịch Ủy ban An ninh lương thực thế giới cho biết, hơn 200 triệu người dân đang sống trong tình trạng đói khổ; hơn 15 triệu người đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid; gần 100 triệu trẻ là đối tượng chịu tổn thương; gần 3 tỷ người chưa tiếp cận được các lĩnh vực y tế, lương thực…
Ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Các yêu cầu chính là: Chuyển đổi hệ thống LTTP là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm. |
Theo ông Gabriel Ferrero, những vấn đề này cho thấy cần có sự thay đổi về cơ bản và đã đến lúc cần xem xét lại quản trị toàn cầu đối với hệ thống thực phẩm.
Vì vậy, việc thay đổi hệ thống quản trị cần thực hiện cấp bách ngay lập tức với sự tham gia của các bên liên quan. Sự chuyển đổi này phụ thuộc vào hệ thống chính sách và ý chí chính trị của mỗi quốc gia. Tiếp đó là quyền tiếp cận thực phẩm; cần đặt con người là trung tâm sau đó cải thiện hệ thống chính sách pháp luật từ đó xây dựng hệ thống thực phẩm phù hợp, tạo ra những khẩu phần ăn lành mạnh, bảo vệ được hệ sinh thái, môi trường.
Ông David Cooper - Quyền Thư ký Điều hành, Ban Thư ký Các công ước về đa dạng sinh học cho rằng, để quản lý hệ thống LTTP bền vững đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương pháp sử dụng đất, hạn chế khai thác thủy sản quá mức, ngăn ngừa ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đề cập tới 5 hành động cần thực hiện ngay, ông Pedro Manuel Moreno - Phó tổng thư ký, Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và phát triển khuyến nghị, cần tăng cường hành động, điều phối giữa các chính phủ trong việc thực hiện an ninh hệ thống LTTP; phân phối lương thực và chính sách đảm bảo giá cả; hỗ trợ để đảm bảo nguồn phân bón sản xuất nông nghiệp; hệ thống cung ứng trong nước, giảm chi phí vận chuyển; tăng cường chế độ khẩu phần ăn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường các hoạt động liên quan ứng phó biến đổi khí hậu; các giải pháp để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Còn ông Jamie Morrison - Cố vấn cấp cao, Liên minh Toàn cầu về Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho rằng, kiến trúc hệ thống LTTP toàn cầu cần ứng dụng thành các kế hoạch, chiến lược quốc gia…
Trong khuôn khổ phiên khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm, tại phiên thảo luận 1 các bộ trưởng, lãnh đạo quốc gia đã có nhiều chia sẻ để đảm bảo an ninh lương thực. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh... Việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững. |